PHÓNG VỆ TINH "MADE BY VIỆT NAM" LÊN VŨ TRỤ VÀO THÁNG 12/2018

Đây là thông tin được đưa ra tại họp báo giới thiệu về những kết quả của Dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất sau 7 năm triển khai.

Dự án được thực hiện từ năm 2011, sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, là dự án trọng điểm quốc gia thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ vũ trụ đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006.

Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện đến nay, Dự án đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đã hoàn thành toàn bộ chương trình đào tạo cơ bản chuẩn bị nguồn nhân lực phát triển vệ tinh tại Nhật Bản với 36 Thạc sỹ Công nghệ vệ tinh và chế tạo thành công 1 vệ tinh thử nghiệm MicroDragon (50 kg) bằng nguồn vốn ODA. Theo kế hoạch, vệ tinh MicroDragon sẽ được phía Nhật Bản hỗ trợ phóng lên không gian vào tháng 12/2018.

Hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Dự án được sử dụng như là phương tiện phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống này sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hiện nay muốn chụp ảnh một khu vực nào đó chúng ta phải đặt hàng, sau đó ít nhất 2 ngày mới nhận được, còn nếu chúng ta có vệ tinh quan sát trái đất riêng, mọi việc sẽ được hoàn tất chỉ trong vòng 6-12 tiếng đồng hồ.

Theo Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam Vũ Anh Tuân, để hoàn thành mục tiêu này, Dự án đã lựa chọn sử dụng vệ tinh radar có khẩu độ tổng hợp (SAR) với độ phân giải cao cùng Hệ thống trạm mặt đất thu nhận, xử lý và ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh. Hệ thống vệ tinh SAR là hệ viễn thám dùng cảm biến chủ động, có nhiều ưu điểm. Do làm chủ vệ tinh nên Việt Nam có thể chủ động thu thập thông tin và chủ động tăng tần suất theo dõi.

Ông Tuân cũng khẳng định, sự đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Dự án cho phép đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam triển khai các nghiên cứu công nghệ vũ trụ, đặc biệt là làm chủ được quy trình công nghệ khép kín từ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh nhỏ, đến phát triển các ứng dụng có liên quan phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động đào tạo, huấn luyện, phát triển ứng dụng công nghệ vũ trụ; và nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về không gian, vũ trụ.