NGÀY ẤY BÂY GIỜ

Mới đó mà đã tròn 50 năm kể từ mùa Xuân 1968. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có biết bao người từ biệt gia đình lên đường ra tiền tuyến, cầm súng chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp: giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Mùa Xuân 1968, đã diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng Xuân 1968 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện tinh thần độc lập, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 26 ngày đêm “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” làm chủ thành phố Huế, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đóng góp xuất sắc vào chiến công chung của quân và dân toàn miền Nam. Năm mươi năm nhìn lại, thời gian càng làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng. Huế ngày ấy là chiến trường đầy khốc liệt. Cuộc chiến đã để lại nhiều bài học lịch sử quý báu, những kinh nghiệm quý báu - một cuộc diễn tập quan trọng cho thắng lợi tiếp theo của cuộc kháng chiến.

Người dân Mỹ biểu tình chống chiến tranh tại California, Mỹ (năm 1968).

“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” - mùa Xuân năm 1975, lần này không phải là 26 ngày đêm nữa mà Thừa Thiên Huế đã được giải phóng hoàn toàn, đất nước được độc lập, thống nhất. Cờ giải phóng tung bay phất phới trên kỳ đài Ngọ Môn.

 Cho dù thời gian đã tròn nửa thế kỷ, những người lính ngày ấy tóc đã bạc mái đầu, mỗi khi nhớ lại những tháng ngày khí thế rực lửa tiến công trong lòng luôn xúc động, tự hào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Người còn, người mất, người vĩnh viễn mang thương tật suốt đời. Đau thương, mất mát nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai. Từ một đất nước Việt Nam bị chiến tranh tàn phá, nghèo nàn, lạc hậu, sau ngày được thống nhất, cả dân tộc bước vào cuộc sống mới, chung sức chung lòng, xây dựng lại đất nước. Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế là một nội dung quan trọng về đường lối hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay.

Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm 2017, nhiều nguyên thủ quốc gia đã đến dự, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không phải các nguyên thủ quốc gia khi đến dự hội nghị ở một nước nào đó đều chính thức thăm quốc gia ấy. Nhưng lần này, ông Trump muốn thăm Việt Nam.

Tổng thống Clinton là người đã đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hoá quan hệ song thương Việt - Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam ngày 17/11/2000 

Trong những năm gần đây, nhiều đời Tổng thống Mỹ liên tục thăm nước ta. Trong giới chính trị và kinh doanh, đầu tư và thường dân Mỹ đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam rất rõ ràng. Dù hai nước từng là thù, rất nhiều người Mỹ nay coi Việt Nam là một nơi thân thiện, nơi họ muốn đến làm ăn, du lịch. Họ rất tán đồng chủ trương của Việt Nam là gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Trên tinh thần đó, quan hệ hợp tác nhân dân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã không ngừng mở rộng, đóng góp có ý nghĩa cho quá trình bình thường hóa quan hệ trước đây, tạo sự đồng thuận xã hội vững chắc cho các quyết định chính trị của lãnh đạo hai nước trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, hòa giải và hợp tác, phát triển hiện nay.

Nối tiếp truyền thống anh hùng, bất khuất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngày này đi trên con đường của thành Huế, những hàng cây đang đâm chồi nẩy lộc, những vườn hoa đang khoe sắc rực rỡ. Huế khoác lên mình một chiếc áo mới với bao niềm tin và hy vọng!

 

                                                                                 Bảo Trân