MỘT PHẦN NHẬN THỨC VÀ VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT ĐÃ ĐƯỢC PHƠI BÀY

Mấy ngày qua trên mạng xã hội cũng như thực tế, người ta nháo nhào lên với bộ sách giáo khoa Tiếng Việt 1 theo “công nghệ giáo dục” của GS, TSKH Hồ Ngọc Đại. Có người ủng hộ, có người phản đối thậm chí là khinh bỉ, miệt thị tác giả chưa biết câu chuyện có thể kết thúc khi nào nhưng trước tiên chúng ta có thể thấy rõ một phần nhận thức và văn hóa của một bộ phận người Việt đã phơi bày.

Người Việt bây giờ lúng túng trước sự việc. Nói không ngoa và nhất là khi chúng ta đang ở trong xã hội ngày càng văn minh, con người phụ thuộc vào internet mà nhất là mạng xã hội. Trên facebook chẳng hạn nó như một xã hội thứ hai, ở đó thông tin được đăng tải với số lượng rất lớn theo từng giây, từng phút nhanh và nhiều hơn hàng vạn lần trên đời sống thật. Với lượng thông tin ấy người dùng thật sự đang bị “ngộ độc tin tức”, phải hơn 60% là tin giả, tin sai sự thật, chủ quan của tác giả và với cường độ “cấp tập” nên người dùng chưa kịp phân tích, tìm hiểu, xác định đúng sai thì phải tiếp nhận thông tin mới như người ta “ăn không kịp nhai” lâu dần một thói quen cả tin đã in đậm vào tâm trí con người thành ra “ai nói gì cũng tin nấy” – ngược với lẽ xã hội càng hiện đại thì con người phải khôn ngoan. Ta cứ để ý nếu một sự việc, một thông tin “sống” trên mạng xã hội quá 5 ngày thì chẳng hẳn nó có một kịch bản, duy trì thông tin để tác động đến dư luận lâu dài.

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại tác giả của công trình sách giáo khoa Tiếng Việt 1 "công nghệ giáo dục" đã được áp dụng từ năm 1978.

Thêm nữa, người Việt Nam hiện nay dường như ít suy nghĩ, tìm hiểu vấn đề, sự việc lại thêm tâm lý đám đông  mà người ta hay gọi là “a dua, a tòng”. Một sự việc luôn được hiểu theo một khía cạnh chủ quan, phiến diện mà quên mất đi sự đa chiều, nhiều mặt của nó. Xin ví dụ: Những người chê bai, phẫn nộ bộ sách giáo khoa của GS, TSKH Hồ Ngọc Đại thì mấy ai được biết nó đã được áp dụng đã hơn 40 năm nay, ở nhiều địa phương trên cả nước, từ sau ngày giải phóng miền Nam học sinh cả nước đã được tiếp cận. Cách dạy và học của sách giáo khoa “công nghệ giáo dục” thực ra không mới thậm chí đã là quá cũ ở thế giới và Việt Nam, học sinh học nắm chắc luật chính tả, đọc nhanh khi đơn giản hóa cách đánh vần, không nói ngọng, có tư duy tốt,... Người Việt Nam dường như áp dụng rất tốt phương châm “thiểu số phục tùng đa số” ngay cả trong tư duy, người ta không cần suy nghĩ, tìm hiểu vấn đề chỉ cần người này nói, người kia nói thế là tin theo họ cho nên không biết ông Hồ Ngọc Đại và ông Bùi Hiền là ai thì cũng ghép hai ông thành một! Thành thử khi tranh luận còn “râu ông nọ chắp cằm bà kia” chửi ông Đại “sáng tác” ra chữ viết mới còn ông Hiền “bày trò cải cách giáo dục” – cái này không hiếm trên mạng xã hội.

Văn hóa người Việt qua vụ việc của GS, TSKH Hồ Ngọc Đại và thêm câu chuyện của PGS Bùi Hiền lại “lòi” thêm sự xấu xí vô cùng. Người Việt Nam ngày nay luôn tỏ ra “văn minh” nhưng càng thêm cố chấp, cao ngạo đôi khi là sự cố tình  và sĩ diện. Xin ví dụ trong những trang sách Tiếng Việt 1 “công nghệ giáo dục” với dụng ý để học sinh làm quen nên đã đánh dấu các tiếng bằng các hình vẽ vuông, tròn, tam giác nhiều màu sắc, bài học có bao nhiêu tiếng thì tương ứng bấy nhiêu hình. Đơn giản như ta học phép toán cộng, trừ, nhân, chia thời vỡ lòng phải dùng que tính, dùng ngón tay,… khác chăng vì toán học dễ hình dung, cụ thể hơn văn học mà thôi. Lại thêm nhiều người hoặc cố tình hoặc vì sự ấu trĩ của mình cứ kêu ca “đổi tiếng nói Việt Nam thành “vuông”, “tròn”, “tam giác”,…” Khiến nhiều người có những biểu hiện “không bình thường” khi không phân biệt được tiếng – từ trong tiếng mẹ đẻ, không biết quy tắc chính tả trong hành văn,… nhận thức thậm chí thua cả em bé mới vào lớp 1. Không ít nghệ sĩ tranh thủ cơ hội này để đánh bóng tên tuổi, không ít kẻ hùa theo để nổi tiếng khi hát những bài hát, viết những văn bản “vuông tròn” những con người này đã cố tình góp phần để dư luận hiểu sai bản chất khoa học của phương pháp dạy và học mới! Căn bệnh cố hữu dễ thấy đó là sự cố chấp, biết mình sai nhưng không biết nhận, biết sai nhưng không dũng cảm sửa, cố tình “cãi chày cãi cối”,… đó là căn bệnh sĩ diện, đố kỵ, ganh ghét nhau “trâu buộc ghét trâu ăn”. Trên mạng xã hội hay trong cuộc sống thực, từ nhà ra ngõ, trong quán ăn hay quán cà phê đâu đâu người ta cũng bàn chuyện sách vở, người này nói kẻ kia tiếp chuyện trong khi bản thân chưa thấy quyển sách giáo khoa ấy mặt mũi, ngang dọc như thế nào! Đúng là “ăn theo nói leo”.

Văn hóa ngày càng thấp trong xã hội hiện đại đó là con người ta không ngừng ngại thể hiện sự “mất dạy”, bỉ ổi. Người ta tha hồ dùng những lời lẽ đê tiện nhất, xấu xa nhất để chửi rủa, thóa mạ GS, TSKH Hồ Ngọc Đại, PGS Bùi Hiền thậm chí “chế ảnh” để làm nhục, giễu cợt họ - những nhà khoa học, người lớn tuổi và là nhà giáo quên đi truyền thống đạo đức cơ bản của con người ít nhất là tôn trọng người khác.

Ở các quốc gia, dân tộc khác mọi phát minh, sáng chế đều được tôn trọng thậm chí có những phát minh được coi là “điên rồ nhất”! Đó là do tư duy, nhận thức và văn hóa tôn trọng khoa học, tôn trọng con người, khích lệ đổi mới, sáng tạo hơn nữa. Còn ở ta cái mới sẽ bị vùi dập, chết vì dư luận như Bphone, game flappy bird,… và nay là cả một nền giáo dục!

NGỌC ÁNH