Luật An ninh mạng sẽ xử lý hành vi tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam

Dự án Luật An ninh mạng gồm 8 chương, 55 Điều vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tại Tờ trình số 397/TTr-CP của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc trước Quốc hội chiều 25/10 đối với dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng đã chỉ ra các  nguy cơ đe dọa an ninh mạng hiện đang tồn tại là:

Thông qua không gian mạng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, âm mưu này được triển khai dưới nhiều phương thức thức khác nhau. Không gian mạng trở thành môi trường lý tưởng cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh, chuyển hóa chế độ chính trị ở nước ta;

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đọc Tờ trình dự án Luật An ninh mạng.

Nguy cơ thứ hai là đối mặt với các cuộc tấn công mạng trên quy mô lớn, cường độ cao. Mục tiêu tấn công mạng là hạ tầng truyền dẫn vật lý (cáp truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia…), hạ tầng dịch vụ lõi (router, thiết bị mạng…), hệ thống điều khiển tự động hóa (SCADA) của các cơ sở quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh… Tấn công mạng có thể diễn ra theo kiểu ra tự phát, đơn lẻ, theo các chiến dịch với mục đích khống chế và thu thập thông tin, khủng bố, đe dọa và tán phát các thông điệp xấu, phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thậm chí là phục vụ chiến tranh;

Nguy cơ thứ ba là mất kiểm soát về an ninh, an toàn thông tin mạng. Nguy cơ này chịu tác động trực tiếp từ bốn yếu tố: Sự phụ thuộc vào hạ tầng và dịch vụ công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, ý thức người dùng hạn chế và bất cập, hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, Điều 22 của dự án Luật về xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam, một số ý kiến tán thành với quy định tại Điều này, vì cho rằng việc quy định cụ thể các thông tin mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam là cần thiết để thuận lợi trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh. Tuy nhiên, đề nghị rà soát, đối chiếu với các hành vi tương ứng được quy định Bộ luật hình sự để bảo đảm tính thống nhất.

Ông Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đọc Báo cáo thẩm tra dự án Luật An ninh mạng.

Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định các biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin có nội dung nêu trong điều luật này, vì cho rằng pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ việc xử lý hình sự, xử lý hành chính đối với các hành vi kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết phải quy định việc xử lý hành vi sử dụng không gian mạng để kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Tuy nhiên, để quy định được rõ ràng, cụ thể, khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trên và có sự rà soát, đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự để cụ thể hóa trong dự thảo Luật này.

Nguyễn Tuân/Infornet