Lòng yêu nước và sự giáo dục nhân cách

Tôi còn nhớ hồi nhỏ được học trong trường một bài đọc về lòng yêu nước, hình như là bài này: Lòng yêu nước

Bài đọc dài, nhưng hơn mươi năm sau mãi trong đầu tôi vẫn mãi nhớ câu này: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.”
Lòng yêu nước không phải là cái gì quá cao xa và viễn vông nhỉ? Tình yêu nước xuất phát từ cái tình yêu “Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính”, nó gần gũi thế thôi. Vậy cho nên không cần phải lên gân nắn cốt, phải làm chuyện gì đó vĩ đại để chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Tại vì cái chuyện vĩ đại đó nó xa vời lắm, không phải ai cũng làm được, hơn 80tr dân Việt không phải ai cũng có thể thành Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp,…Cũng không phải ai cũng có thể cầm súng ra chiến trường (mà cũng chẳng một ai yêu nước yêu dân lại muốn có chiến tranh xảy ra cả).

Hôm qua, tôi vô tình lang thang đọc bài viết này, thấy hay: Người Việt Nam không yêu nước. Tôi thì không nghĩ anh bạn Nhật Bản của chúng ta đúng đâu, nhưng mà cái điều mà anh ta nói, có phải hoàn toàn vô lý?

Những khi đưa bạn bè quốc tế thăm thú Việt Nam, tự hào giới thiệu những điều mà tôi tự hào về đất nước mà tôi vô cùng yêu quý, tôi không khỏi xấu hổ với những điều chưa đẹp mà có muốn “tốt khoe xấu che” cũng chẳng có chỗ nào để mà che. Tôi giải thích, tôi biện minh, tranh luận với họ rằng ta còn nghèo, giáo dục ta chưa tới, dân ta chưa quen văn minh, mong họ thông cảm mà bỏ qua. Ừ vì cái tính tiểu nông nên ăn đâu vứt đó, vì suy nghĩ thiển cận nên làm ăn dối trá, vì nghèo nên phải tính người nước ngoài (giàu hơn), giá khác…
Ừ đấy, nhưng mà giá như, giá như chúng ta được giáo dục cho nó tử tế nhỉ?Tôi vừa xem xong bộ phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy mà trào nước mắt.

Thì ra, lòng tử tế vẫn ở quanh đây, những suy nghĩ sâu sắc có thể gọi là xuyên thời đại, mãi cho đến hơn 20 năm sau mà nó vẫn còn như mới. Tôi chỉ xin lấy từ khoảng phút 24 của đoạn phim này:

Trước ngưỡng cửa của cuộc đời những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng: Các em yêu quý các em là những đứa trẻ hạnh phúc vì các em là con Hồng, cháu Lạc. Giang sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giàu có, tiền rừng, bạc biển..Cũng một lớp học như vậy ở nước Nhật, người ta dạy con em người ta rằng: Các bạn nhỏ yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi. Một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai là của các bạn là trong tay các bạn. 
Giá như một lần chúng ta dạy con em chúng ta rằng: Các em ạ cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc hão huyền, vì các em ạ, bi kịch và cả hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa.

Cái sự giáo dục, đặc biệt là khi ta còn nhỏ, cái đầu còn chưa chai sạn với đời, nó quan trọng thế đấy. Bởi tất cả những kiến thức, kinh nghiệm ta tiếp thu sau này, đều được tiếp nhận thông qua cái nền tảng được xây dựng lúc đầu đời cả.

Tôi lại nhớ ngày còn nhỏ, ba tôi chở tôi đi học trên chiếc xe mô-bi-lết cà tàng của ông, không bao giờ ông vượt đèn đỏ hay đi trái luật. Có lẽ vì ông muốn dạy tôi, mà muốn dạy con nít thì phải làm gương cho nó. Có lẽ nhờ ông làm gương mà tôi sau này khi biết lái xe cũng phải luôn nhớ điều đó, mặc dù thời tuổi trẻ không thể tránh khỏi những phút bốc đồng dại dột.

Tôi lại nghĩ mình không cần yêu nước bằng hô hào khẩu hiệu, bằng cách bàn chuyện đảo lớn đảo nhỏ hay ông này ông kia, vì cái đó nó lớn quá, mà bàn mãi cũng không ăn thua, thôi thì tôi yêu nước bằng cách nhỏ hơn những con người vĩ đại kia. Tôi yêu nước bằng cách của một dân đen tầm thường: tôi ra đường không xả rác bừa bãi, tôi tuân thủ pháp luật, tôi tham gia các hoạt động xã hội. Sau này, nếu may mắn kết hôn và có con cái, tôi sẽ dạy chúng lòng yêu nước tầm thường đó, rằng các con ơi nước ta nghèo, dân ta khổ, cha ông ta đã hy sinh xương máu để mang lại độc lập đất nước ngày hôm nay, còn tương lai đất nước ngày mai là phụ thuộc vào các con đó.

Tôi lại trộm nghĩ, người Việt ta yêu nước rất nhiều, không dám nói tất cả nhưng hầu hết ai cũng yêu nước cả, giá mà mỗi người yêu nước này mỗi ngày lại làm một việc yêu nước nhỏ, tầm thường, thì đất nước ta sẽ mau chóng trở thành một đất nước không tầm thường chút nào cả.