Lòng dân, bài học không cũ - Bài 1: Yên giữa “điểm nóng”

Trên con đường đồi dốc, đẹp và mềm mại, chúng tôi trở lại thăm thôn Kim Sơn (xã Thủy Bằng). Trong câu chuyện của người dân quê thân thiện nơi đây, tiếng cười nói đã râm ran như chưa từng có những ngày lo lắng, bất an liên quan đến những việc làm thiếu thiện chí của một số người thuộc Đan viện Thiên An.

Người dân phản ánh về hành vi thiếu thiện chí hợp tác của người trong Đan viện Thiên An với báo chí. Ảnh: Anh Phong

Kim Sơn là một trong số 13 thôn của xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), với hơn 200 hộ dân sinh sống. Những lớp người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này quần cư từ thời theo ngài Trần Đại Lang (đời vua Lê Hiển Tông) khai canh vào năm 1740. Hàng trăm năm nay, con dân Kim Sơn truyền nối nhau gìn giữ, sinh sống và phát triển trên mảnh đất này, trước khi Đan viện Thiên An xuất hiện. Bởi vậy, hơn bất cứ ai, họ không đồng tình với hành vi xâm phạm đất đai do người trong Đan viện thực hiện. Khi người của Đan viện có hành vi múc đất, xâm phạm trái phép con đường dân sinh nối hai thôn Kim Sơn - Cư Chánh, nhiều người dân Kim Sơn đã phản ứng mạnh mẽ và quyết tâm bảo vệ đến cùng con đường, vì “đó là tài sản của dân, không ai có quyền chiếm giữ làm của riêng”.

Những người dân của thôn Kim Sơn, như ông Nguyễn Viết Cử, ông Nguyễn Viết Côi, bà Đặng Thị Huê, bà Đặng Thị Nguyện đều bày tỏ sự phản đối trước việc làm nói trên của những người sống trong Đan viện Thiên An. Tại thời điểm giữa năm 2017, ngoài việc múc đất gây hư hỏng đường dân sinh, những người sống trong Đan viện Thiên An còn có nhiều hành động gây bức xúc khác cho cộng đồng dân cư trong khu vực, như chặt thông đặc dụng, dựng công trình trên đất nông nghiệp… Nguyên nhân của các xung đột giữa người dân trong khu vực và Đan viện Thiên An là do người của Đan viện cho rằng, đất thuộc quyền sử dụng của họ rộng hơn hiện nay. Những việc họ làm chỉ nằm trong phạm vi họ được quyền sử dụng. Tuy nhiên, Quyết định số 577/QĐ-XKT, ngày 6/6/2002 của Tổng Thanh tra Nhà nước về việc giải quyết khiếu nại của Đan viện Thiên An khẳng định: Các chứng cứ (photo) từ năm 1975 trở về trước về nguồn gốc hơn 107 ha đất rừng thông mà Đan viện Thiên An cho là của mình chỉ thể hiện 72,354 ha, còn 35,3255 ha không có căn cứ pháp lý để chứng minh là diện tích đất mà Đan viện đã từng quản lý, sử dụng.

Người dân Thủy Bằng phản đối hành vi xâm phạm đất của người trong Đan viện Thiên An. Ảnh: Anh Phong

Ông Võ Xuân Hiếu (thôn Cư Chánh 1) cũng là một trong những người dân có tiếng nói và hành động quyết liệt để phản đối việc làm thiếu thiện chí hợp tác của người trong Đan viện Thiên An. Khi nghi ngờ người của Đan viện Thiên An trong một đêm chặt hạ hơn 60 cây thông trên rừng đặc dụng, các cấp chính quyền đã đề nghị Đan viện hợp tác giải quyết. Đáp lại, phía Đan viện lăn đá chặn đường xe, lập hàng rào người cầm theo dao rựa sẵn sàng chống đối người thi hành công vụ. Trong tình huống đó, ông Võ Xuân Hiếu đã xông thân già hơn 70 tuổi tiến lên phía trước, phá thủng hàng rào người chống đối phía trong Đan viện... Xúc động trước hành động quả cảm của người cựu binh già, bà Phạm Thị Ngọc Lĩnh, Phó ban Tuyên giáo Thị ủy Hương Thủy, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thủy Bằng nhấn mạnh: “Trận” đó, người dân đã thu về cho Nhà nước hơn 10m3 gỗ thông vừa bị chặt hạ để làm tang chứng, vật chứng. Đây chính là chiến thắng của sức mạnh lòng dân”.

Bà Đặng Thị Nguyện (thôn Kim Sơn) tuy đã ở tuổi 80, nhưng trò chuyện cùng chúng tôi bên hiên nhà, giọng vẫn rổn rảng khi nhắc đến chuyện người của Đan viện Thiên An “đòi hốt đôộng của Nhà nước” giữa năm 2017 (việc múc đất gây hư hỏng đường dân sinh). Nhớ lại chuyện “như mới hôm qua”, bà Nguyện rắn rỏi: “Khi những người đó đòi hốt đôộng, múc đường của Nhà nước, tui đã giải thích cho họ là không được làm như rứa. Đó là đất của Nhà nước quản lý từ xưa đến nay. Nhà nước chỉ giao đất cho Lâm trường Tiền Phong quản lý, trồng cây chơ mô phải đất của mấy người mà đòi”. Giữa câu chuyện, thi thoảng bà nhẹ nhàng: “Đôi lúc con tui hắn ngại tui làm căng với người ta rồi gây chuyện. Tui động viên con, không có chi phải sợ. Ngày xưa làm cách mạng đuổi giặc, bị giặc tra tấn đến thiếu đường chết còn không sợ. Bây chừ lẽ phải thuộc về mình, vì răng phải sợ?”. Rồi bà lại nói mạnh: “Chỉ sợ trái gió trở trời, chứ bình thường thì mấy bà trong xóm vẫn rủ nhau đi quanh. Tay cầm liềm, tay cầm dây, mình đi kiếm củi, ai làm chi được. Nhưng hễ ai làm chi xâm phạm đến lợi ích của dân, đến đất của Nhà nước, là không xong mô”.

(Còn tiếp)

Theo Thừa Thiên Huế online