Làm ngay những việc này để không bị đánh cắp thông tin trên mạng xã hội

Có thể bạn chưa biết nhưng hiện nay chỉ với vài thao tác đơn giản, hacker hoàn toàn có thể biết được  bạn ở đâu, đi chơi đâu, thích gì…dựa vào mạng Facebook và dễ dàng sử dụng vào mục đích xấu như trộm cắp, bắt cóc.

Chúng ta đang quá chủ quan

Mặc dù các trang mạng xã hội có thể rất hữu ích, giúp tăng cường sự trao đổi xã hội cả trực tuyến và ngoại tuyến, song kèm theo đó là khi tham gia sử dụng các mạng xã hội bạn có thể để lộ thông tin cho những kẻ muốn sử dụng thông tin này vào mục đích xấu như các hình thức mượn tiền, nhờ nạp thẻ điện thoại hay phát tán virus.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một trong những kiểu tấn công đơn giản, gây thiệt hại không lớn. Còn nhiều loại khai thác thông tin khác nguy hiểm hơn. Chỉ cần một chút thủ thuật không cần quá cao siêu, hoàn toàn có thể biết được tất cả những thông tin cần biết về một ai đó – dựa trên các thông tin họ đăng tải trên mạng xã hội.

Không chỉ là những vụ lừa lặt vặt kiểu nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại, nhiều vụ lừa với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng đã được thực hiện qua Facebook bị công an phát hiện.

Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được Bộ Công Thương tổ chức mới đây, một diễn giả đã nói: “Facebook là một thảm họa về thông tin, hình ảnh đời tư. Nhiều người dùng ăn gì, ở đâu, với ai, đi xe ô tô gì, nhà ở đâu… đều rất dễ tìm được trên mạng xã hội. Năm 2007, khi tôi dùng một tool đánh giá và thử search trên nhiều dữ liệu khác nhau, tôi đã thử đưa số điện thoại liên lạc của một quan chức vào search trên Facebook. Kết quả là tôi biết ngay được các thông tin về người này: ở đâu, đi chơi đâu, thích gì… Điều này cho thấy, hiện nay nhiều người dùng đang bộc lộ quá nhiều thông tin, dữ liệu cá nhân trên Internet, trên mạng xã hội”.

Thực tế là không ít vụ tấn công, bắt cóc trẻ em, ăn trộm xuất phát từ những thông tin “vô tư” của người dùng trên mạng xã hội đã diễn ra.

Làm thế nào để “an toàn” trang mạng xã hội?

Hiện nay hàng lang pháp lý còn rất lỏng lẻo, chưa có sự phân định rõ ràng về sở hữu (đâu là dữ liệu cá nhân, đâu là cơ sở dữ liệu của cơ quan/tổ chức) và sự  hạn chế trong nhận thức của các cơ quan, tổ chức về bảo vệ an toàn cho dữ liệu cá nhân. Chính vì vậy, trước khi chờ luật pháp, bạn hãy tự bảo vệ mình bằng việc ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản dưới đây khi sử dụng mạng xã hội.

– Giới hạn lượng thông tin cá nhân mà bạn cung cấp trên mạng xã hội, cố gắng hạn chế công khai các thông tin có tính liên kết, xâu chuỗi với nhau.

– Kiểm tra lại tất cả các nhãn (hashtag), gag bạn bè và những đề cập nhắc nhở liên quan tới bản thân hay tổ chức, công ty của bạn. Việc gắn nhãn trong một  thông tin cập nhật mạng xã hội tưởng chừng như vô hại nhưng thực tế lại ảnh hưởng nhiều đến tính riêng tư của bạn.

– Cân nhắc kỹ đối tượng có thể xem được cập nhật của bạn. Lưu ý rằng nếu những tài khoản trong danh sách được xem những cập nhập của bạn không thiết lập hạn chế tính riêng tư thì những hình ảnh, bài đăng mới của bạn vẫn bị rò rỉ ra ngoài.

– Những bài đăng, đường dẫn với những lời mời mọc hấp dẫn đã và đang tràn ngập trên các mạng xã hội, nhất là Facebook với nhiều mục đích xấu. Do đó, đừng nhấn vào bất cứ một đường link nào có dấu hiệu bất thường hoặc được gửi từ một người mà bạn không biết.

– Sử dụng phương thức xác thực hai lớp cho Facebook và các tài khoản mạng xã hội khác.

– Nên báo cáo và chặn những kẻ phát tán nội dung rác.

– Cần xác nhận những người bạn gửi tin nhắn hoặc viết lên tường của các mạng xã hội về những thông tin có thể dễ dàng làm mất thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

– Nên xác thực danh tính trước khi chấp nhập hay kết bạn với bất kỳ ai.

Minh Chí