LOẠN ĐÀM PHỎNG CÓ ÍCH GÌ?

 

 

Những ngày qua trên mạng xã hội dư luận vẫn râm ran phản ứng việc PGS TS Bùi Hiền công bố kết quả nghiên cứu “Cải tiến chữ Việt” và cả TS Đoàn Hương phát biểu thiếu cẩn trọng, bị cho là coi thường quần chúng như càng đổ thêm dầu vào lửa. Người đồng tình ủng hộ cho rằng cái mới bao giờ cũng bị phản ứng, mọi sự thay đổi đều có cái giá của nó, đôi khi phải trả giá rất đắt và cũng có thể nhờ thay đổi mà xã hội tiến lên; chúng ta hãy bình tĩnh chờ xem. Nhưng hầu hết ý kiến đều phản đối dữ dội, thậm chí có người còn khái quát đây là “Một đề xuất mang tính hủy diệt văn hóa”.

Lợi dụng vấn đề này, một số đài báo ở phương Tây và Hoa Kỳ “rất nhiệt tình” nêu lên những bài bình phẩm với luận điệu mỉa mai đầy ác ý. Trong số đó có ả Anh Chi mồm loa mép dãi được Đài RFA tung hê với giọng điệu leo lẻo, ngạo mạn. Ả ta lấy việc nghiên cứu đề xuất của một cá nhân chưa được ai công nhận để mạ lỵ nhà nước ta và chế độ cộng sản. Nhân danh góp ý, phản biện cho một công trình nghiên cứu khoa học, Anh Chi quy chụp đây là “một thuyết âm mưu khốn nạn”. Có thể nói lời lẽ của Anh Chi có ý đồ xảo quyệt, khi ả ta cho rằng việc đề xuất “Cải cách chữ Việt” của PGS TS Bùi Hiền là có sự chỉ đạo, nhằm phiên âm chữ quốc ngữ cho phù hợp với cách phát âm của người Tàu - một anh bạn láng giềng (!!!???). Quả là một sự suy diễn hoang đường, tùy tiện, với luận điệu xảo trá và ác tâm xuyên tạc. Ả Anh Chi nói bất chấp sự thật, phát ngôn xách mé của một một kẻ điêu ngoa, hàm hồ (!).

Phát huy tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, ở nước ta trên báo chí chính thống, trên một vài diễn đàn quan trọng, trên mạng xã hội đã có rất nhiều ý kiến nhận xét góp ý phê bình về công trình nghiên cứu của PGS TS Bùi Hiền. Đã có không ít lời chê trách nặng nề vì “đề tài khoa học mà thiếu cơ sơ khoa học và thiếu tính thực tiễn này”. Chẳng hạn như Hoàng Hải Lý,Trường Sĩ quan Không quân đã phân tích có lý rằng: Chính hai vị (PGS TS Bùi Hiền và TS Đoàn Hương) đang khủng bố tinh thần nhân dân bằng cái đề án động trời, đối chọi tâm tư nhân dân ắt sẽ có sự phản kháng. Kiểu như khi thấy con trăn đói lao vào tấn công, người ta sẽ nhanh chóng chộp lấy khúc cây. Mặc dù họ không muốn sát sinh bất kỳ con gì, nhưng vì buộc phải tự vệ, điều đó là đúng

Tuy nhiên, bên cạnh những phê phán gay gắt, cũng có người  có cái nhìn nhân văn hơn. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Đại học KH-XH&NV, cho rằng: Dư luận đã dùng những lời lẽ vô cùng nặng nề đối với anh Hiền, điều này theo tôi sẽ không chỉ gây tổn thương cho anh Hiền và còn cả với người thân của anh ấy, khi họ đọc được hẳn cũng rất buồn.Tôi không đồng tình với cách ứng xử đó. Vì việc nghiên cứu rồi đưa ra kết quả nghiên cứu, đề xuất là quyền của mỗi người. Kết luận đúng sai cần dựa trên tinh thần khoa học, căn cứ khoa học chứ không thể dựa vào xúc cảm bột phát... Nhưng xét về nguyên nhân sâu xa, phải chăng đề xuất đó đã động chạm, làm tổn thương đến cái văn hóa sâu thẳm trong lòng người dân nước Việt, nên người ta buộc phải buông ra những lời để “diệt trừ tận gốc”?!

Với câu hỏi của phóng viên: Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Hiền, thì đề xuất chính là tâm huyết và ông mất nhiều năm để nghiên cứu. Đứng ở góc độ một nhà khoa học, điều đó cũng đáng trân trọng, thưa ông?  PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, trả lời chân thành: Cũng có thể do anh Hiền xuất thân từ một nhà ngoại ngữ, chứ không phải là nhà ngôn ngữ thực thụ, cho nên tri thức về ngôn ngữ học của anh cũng có hạn. Anh tưởng đó là một phát minh. Nhưng đối với những người trong ngành như chúng tôi thì nó là quá cũ...Trong một khía cạnh khác, đề xuất của anh Hiền đã phần nào làm tổn thương đến văn hóa dân tộc, động chạm đến phần thiêng liêng sâu thẳm trong tâm linh của người dân, thậm chí cả tới người đã khuất. Vì ngôn ngữ là văn hóa, hồn đất nước. Đây là điều khiến cho nhiều người mất bình tĩnh.

Mới đây, Quyên Di có bài viết ngắn phản biện về đề nghị của TS Bùi Hiền trong việc “Cải tổ tiếng Việt”. Tác giả nói không nhằm tranh luận với PGS TS Bùi Hiền, mà nhân cơ hội này, muốn cùng nhau ôn lại những điểm căn bản của chữ Quốc Ngữ, là thứ chữ dùng mẫu tự La-tinh để ký âm tiếng Việt. Nội hàm của căn bản, có nghĩa là đụng chạm tới những điểm này, thay đổi hay xoá bỏ những điểm này thì chữ Quốc Ngữ không còn là chữ Quốc Ngữ nữa, mà là một thứ chữ gì khác, nói rõ hơn là giết chết chữ Quốc Ngữ rồi. Cũng giống như một cái cây, người ta có thể hái hoa, hái quả, thậm chí cắt bớt cành, cái cây vẫn là cái cây; nhưng khi người ta đốn gốc, đào rễ thì cái cây không còn là cái cây nữa. Nó chết. Căn bản có nghĩa là rễ (căn), gốc (bản). Bởi vậy người ta mới nói kẻ mất gốc là “vong bản”. Đây là một bài viết nghiêm túc, vì sau khi đưa ra những vấn đề căn bản, tác giả có kiến nghị rất xác đáng: Để tránh sự nguy hại này, chúng tôi đề nghị chúng ta không tiếp tay phổ biến nó, cho dù chỉ là phổ biến để làm trò cười với nhau. Càng làm cho nhau cười, thứ chữ “cải tiến” này càng lan rộng. Các em trẻ tuổi vốn thích nghịch ngợm đã “chế tác” ra đủ các loại chữ viết “bí hiểm” để “chít chát” với nhau, nay gặp được thứ đồ chơi này sẽ đem ra dùng… cho biết. Dùng hoài hoá thiệt. Rốt cuộc, người ta không còn biết đâu là đúng đâu là sai nữa. Bây giờ đã thấy xuất hiện một bộ “Cuyển dổi Tiếq Việt” rồi đó.

Đúng vậy, không nên vì bất bình với  đề xuất vô lý của PGS TS Bùi Hiển mà mọi người lại chế nhạo thứ chữ sai trái này trên các trang viết của mình đưa lên fb. Làm như vậy vô tình tiếp tay truyền bá cho cái sai, cái thiếu chuẩn mực không đáng được phổ biến. Mặt khác qua sự việc này, chúng ta cũng mong rằng các cơ cơ quan truyền thông, nhất là Đài truyền hình Việt Nam cần rút kinh nghiệm, không vội vàng công bố lên VTV1, VTV3 những vấn đề còn chưa rõ ràng, những công trình nghiên cứu khoa học chưa được các cơ quan chức năng thẩm định và nghiệm thu. Chúng ta cũng thẳng thừng bác bỏ những lời lẽ xuyên tạc kiểu như cách rêu rao của ả Anh Chi trên Đài RFA, vì đây là luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đã cố tình gán ghép với toan tính “đục nước, béo cò” nhằm kích động, gây nghi ngờ hoang mang trong dư luận xã hội.                           

 THUẬN HÓA