LẼ SỐNG “TỐT ĐỜI, ĐẸP ĐẠO”

Lễ Giáng sinh vốn có nguồn gốc từ nước ngoài, nhưng từ lâu đã được người Việt đón nhận với một tình cảm thân thiện, tâm hồn rộng mở. Tuy không phải là ngày lễ chính thức, song lễ Giáng sinh ở nước ta cũng là một dịp sinh hoạt cộng đồng khá vui tươi, nhộn nhịp.

Vào dịp lễ Giáng sinh 25-12 hằng năm, không chỉ bà con theo đạo Thiên Chúa đến dự lễ trọng ở các nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy, mà trên nhiều phố phường ở các thành phố, thị xã, hình ảnh cây thông rực rỡ và ông già Nô-en xuống phố đi tặng quà nhiều em nhỏ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân, nhất là các bạn trẻ. Khi những giai điệu mượt mà “Mừng Giáng sinh an lành/ Cầu chúc cho muôn người/ Cuộc sống ấm no quên đi bao nhọc nhằn/ Cùng nắm tay hát vang/ Ngày Giáng sinh an lành/ Cùng nắm tay hát ca/ Cùng cất tiếng ca bên nhau muôn đời...” ngân lên da diết, không khí ngày lễ Giáng sinh đã làm thổn thức trái tim bao người.

 

Ảnh minh họa/ TTXVN 

 

Trong sâu thẳm trái tim con người Việt Nam, bất cứ giá trị văn hóa, lễ hội nào có xuất xứ từ đâu, nhưng mang ý nghĩa nhân văn cũng đều được nâng niu, trân trọng. Ngày lễ Giáng sinh mang thông điệp “Vinh danh Thượng đế trên cao, bình an cho người dưới thế” bao hàm ý nghĩa ngày của hòa bình, yêu thương, ngày của chia sẻ với những trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người già cô đơn, người gặp khó khăn hoạn nạn. Thế nên, đối với đồng bào ta, dù theo đạo hay không theo đạo, ai cũng cầu mong một cuộc sống tốt lành sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

Đối với đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam từ lâu đã thấm nhuần phương châm “kính chúa, yêu nước” để sống “tốt đời, đẹp đạo”. “Kính chúa, yêu nước” không chỉ thể hiện trân trọng niềm tin, sự biết ơn, lòng thành kính dành cho đấng tối cao đã ban phước lành cho bà con giáo dân, mà còn thể hiện bổn phận thiêng liêng của người công dân luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với quê hương, Tổ quốc. Và cũng bởi mang trong mình tinh thần, tình cảm “kính chúa, yêu nước” mà bà con giáo dân luôn hướng tới lẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”. Hay nói cách khác, khi chữ “đời”, chữ “đạo” được gắn kết nhuần nhuyễn và giải quyết hài hòa, thì bà con đã làm tròn đạo “kính chúa” và thể hiện tấm lòng “yêu nước” trọn vẹn.

Với truyền thống nhân ái, khoan dung, Việt Nam là một trong những quốc gia có khá nhiều tôn giáo. Mỗi tôn giáo có tổ chức, nghi lễ, luật tục khác nhau, nhưng đều có điểm chung là sống hòa đồng, đoàn kết, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tất nhiên, trong điểm chung ấy, chúng ta vẫn tôn trọng sự khác biệt về niềm tin tâm linh của từng tôn giáo và luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào các tôn giáo tự do hành đạo. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có quy định: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Không những vậy, trong luật này cũng có nội dung rất nhân văn khi quy định: “Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”.

Trích dẫn lại vài điều đó để thêm một lần khẳng định, trước sau như một, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân và coi đó là một trong những quyền căn bản của con người. Điều muốn nói ở đây là mỗi bà con giáo dân hãy sống, ứng xử, làm việc ra sao để vừa không làm trái với những điều khuyên nhủ, răn dạy nhân văn, bác ái của các đấng thần linh tối cao, vừa không tách khỏi cộng đồng, quê hương xứ sở đã nuôi dưỡng mình hay cố ý “rẽ” sang “lối khác” làm cản trở con đường phát triển mà cả dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.

ANH THẢO