Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2019) “Trung thành-trung thực-tận tụy-đoàn kết-sáng tạo-nêu gương” trong xây dựng Đảng về đạo đức

Năm 2019, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương càng thấm thía những bài học sâu sắc, giàu tính nhân văn của Người về đạo đức cách mạng, để xác định rõ trách nhiệm xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Đạo đức đặt trong khái niệm chung là hình thái ý thức xã hội, phản ánh chuẩn mực xã hội, để điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với những người khác và cộng đồng. Trong xã hội dân chủ, văn minh, đạo đức luôn là gốc, là nền tảng thúc đẩy văn hóa phát triển với nội hàm mới, tiến bộ, góp phần quan trọng để cải biến xã hội phát triển. Đạo đức trong mỗi dân tộc, mỗi giai cấp có những chuẩn mực theo nhận thức riêng. Chuẩn mực đạo đức vô sản mang bản chất giai cấp công nhân, đề cao ý thức trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và toàn xã hội, hoàn thiện nhân cách, bản chất xã hội của con người, góp phần cải tạo xã hội cũ và tạo dựng xã hội mới tốt đẹp. Đạo đức vô sản có sự phát triển mới, không chỉ là chuẩn mực ứng xử của con người với con người và với cộng đồng, mà còn trở thành nội dung có ý nghĩa cải biến xã hội. V.I. Lênin cho rằng: “Đối với chúng ta, đạo đức phải phục tùng lợi ích của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”. Và rằng “đạo đức đó là những gì góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Kế thừa, phát triển và cụ thể luận điểm của V.I. Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đạo đức của cán bộ, đảng viên: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu, là mục đích của Đảng, mà ở đó mỗi đảng viên là “người thợ” kiến tạo, mà biểu hiện rõ nhất đó là sự tin yêu vô bờ bến của nhân dân đối với Đảng.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Trung ương, trong đó nhiều đảng viên giữ vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương-cấp tham mưu, đề ra chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ quan quản lý vĩ mô, là nơi để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nhìn vào để làm theo. Vì vậy, việc xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một trong những việc làm thường xuyên, cụ thể, phải tạo được sự chuyển biến tích cực, dễ nhận thấy, tạo được sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xây dựng Đảng về đạo đức ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần tập trung vào 6 nội dung được đúc kết trong chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung thành-trung thực-tận tụy-đoàn kết-sáng tạo-nêu gương”.

Trước tiên, cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương phải là những đảng viên trung thành, tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng của Đảng, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những tác động nhiều chiều, luôn kiên định trước những thay đổi của thế giới và khu vực. Có bản lĩnh và sáng suốt để nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng và chế độ ta trên nhiều mặt, nhất là trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Trung thành với Đảng là trung thành với chế độ, với Nhà nước và nhân dân, thể hiện lòng trung thành bằng hành động bảo vệ, cống hiến vì Đảng, vì nhân dân, vì sứ mệnh cao cả của giai cấp và dân tộc.

Trung thành luôn đi đôi với trung thực là một chỉnh thể trong phạm trù đạo đức, xây dựng bản lĩnh chính trị, sự trung thành của đảng viên phải dựa trên sự trung thực. Bác Hồ dạy: “Nói thì phải làm”, mà trước hết, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối phải nói và làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống chủ nghĩa cá nhân, không được vì lợi ích cá nhân mà xuyên tạc, nói sai. Trung thực, thống nhất giữa lời nói và việc làm, “không được nói một đàng, làm một nẻo” là sự thể hiện sự trung thực với chính mình, đồng thời phải kiên quyết chống thói hoang phí, xa hoa, giả dối, “hứa mà không làm”. Xây dựng phong cách “nói ít, bắt đầu bằng hành động”, “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”.

Cùng với trung thành, trung thực, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối phải luôn tận tụy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chuyên môn được giao. Chỉ có hành động một cách tận tụy mới phát huy được sức mạnh của trung thành, trung thực, mới hành động hóa chuẩn mực đạo đức vào cuộc sống. Tận tụy từ suy nghĩ, tư duy cho đến hành động; tận tụy chính là tác phong đẹp của cán bộ, đảng viên, thể hiện sự hết lòng vì Đảng, vì nhân dân. Tận tụy còn thể hiện ở thái độ của cán bộ, đảng viên trước những yêu cầu của nhân dân và đòi hỏi thực tiễn để hành động hiệu quả. Tận tụy luôn đi đôi với sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cách mạng hiện nay; đồng thời đề cao đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tích cực hội nhập; sáng tạo làm cho sự tận tụy luôn theo kịp sự phát triển của thời đại, đạt đến văn minh, làm cho đạo đức luôn tỏa sáng, trở thành nền tảng vững chắc của Đảng.

Xây dựng, giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương được xác định trước hết là xây dựng ý thức đoàn kết, thượng tôn pháp luật, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Đoàn kết trên cơ sở tình thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn đặt quyền lợi tập thể, lợi ích của nhân dân và sự nghiệp của Đảng lên hàng đầu. Xây dựng tinh thần đoàn kết ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có ý nghĩa là hạt nhân của đại đoàn kết, đồng thời phải luôn khắc ghi và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Để giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng và phát huy tinh thần đoàn kết, mỗi đảng viên phải thực sự trung thành, trung thực, đó là nền tảng, tính cốt lõi của đạo đức người đảng viên để xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất.

Đạo đức của người đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương còn luôn phải đặt mình ở vị trí làm gương cho đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân học tập, noi theo. Do vậy, Đảng bộ Khối chú trọng lấy nêu gương vừa là thành tố của đạo đức, là phương châm để thực hành đạo đức, đồng thời là trách nhiệm để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng, thật sự “Trung thành, trung thực, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo”. Do vậy, phát huy vai trò nêu gương ở Đảng bộ Khối có tính toàn diện, đòi hỏi cao hơn, đặt dưới sự theo dõi, giám sát của cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Nội dung nêu gương toàn diện hơn bởi lẽ, không chỉ nêu gương trong chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, trong thực hành đạo đức công vụ, mà còn phải đặt yêu cầu về mức độ nêu gương cao hơn, rộng hơn, không chỉ phạm vi trong tổ chức đảng mà cả trong quan hệ quốc tế. Việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, được cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối theo Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương, Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương; theo phương châm “Trung thành-trung thực-tận tụy-đoàn kết-sáng tạo-nêu gương”.

Theo QĐND điện tử