Kế truyền dũng khí ông cha

Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi nghìn năm…

Hiến dâng tuổi xanh cho đất nước, những người lính năm xưa nghĩ về mình khi nước nhà hoà bình, thống nhất ra sao? Đây là đoạn nhật ký anh Nguyễn Văn Thạc viết đêm 24-5-1972, khi hành quân qua đất Hà Tĩnh để vào chiến trường: “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn chính trực và cao cả, biết yêu và biết ghét, biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất thảy những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế, đây là mơ ước, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm”. 

Ngày đó, có người lính ra trận, nhưng cũng có người sang nước ngoài học tập, tìm kiếm lối đi cho riêng mình. Với những người bạn có cuộc sống an nhàn, Nguyễn Văn Thạc không lấy sự vinh hạnh của người khác để so nghĩ về sự dấn thân, hy sinh của mình: “Thạc có buồn không? Có buồn bã vì những năm tháng phải xa trường đại học, vì không được ra nước ngoài học tập. Vì các bạn Thạc, người đi đây, người đi đó, sống êm ả, sung túc với tập giáo trình. Ngày mai, các bạn về, các bạn có kiến thức, các bạn là kỹ sư, là các nhà bác học, còn Thạc sẽ chỉ là một con người bình thường nhất, nếu chiến tranh không cướp đi của Thạc một bàn chân, một bàn tay…”.

Quan điểm của anh cũng chính là quan điểm, chí khí của thanh niên nước nhà thời đạn lửa. Khi đất nước cần, họ chẳng ngại ngần, chẳng so bì hơn thiệt để xông pha ra mặt trận, để thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc. Đó là hiện thực, không phải những ngôn từ lý thuyết trên những bài văn. 

Giờ đây, 44 năm đã đi qua, những người sinh vào thời điểm lịch sử chói lọi đó của dân tộc cũng đã ngoại tứ tuần, đã là những ông bố, bà mẹ, cũng có người lên chức ông, bà. Thêm chừng hai thế hệ nữa kế truyền và độ lùi năm 1975 của lịch sử càng giúp chúng ta cũng như thế giới nhìn nhận, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, bảo vệ nền độc lập dân tộc và đóng góp cho hoà bình nhân loại.

Rất nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế đã khẳng định rằng, chiến thắng 30-4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam.

44 năm, câu hỏi về hoà hợp dân tộc vẫn còn là vấn đề thời sự. Xu thế hoà bình, hoà giải đã kéo những trái tim ngày trước từng ở bên kia chiến tuyến nay xích lại gần hơn, cùng hướng về nguồn cội dân tộc. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày 26-3-2004 xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Do đó, một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong nghị quyết này là: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Đặc biệt, thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ, tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Gần đây, chúng ta đã có bước đột phá trong tiếp xúc, đấu tranh trực diện với các đối tượng chống đối và tổ chức cho nhiều người trong số này về nước.

Đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Với những ai vẫn còn nuôi hận thù, định kiến, đã đến lúc cần soi rọi chính dòng máu quê hương đất mẹ của mình và dòng chảy thời cuộc để có cách nghĩ và hành động đúng đắn.

30-4, dấu mốc ấy là động lực thôi thúc mỗi người thấu rõ giá trị của nền độc lập dân tộc, về chủ quyền quốc gia, từ đó đoàn kết, phát huy khí chất, giá trị con người Việt Nam và tinh thần thời đại để bảo vệ, dựng xây nước nhà. “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” - lời căn dặn của Bác Hồ năm xưa, nay vẫn vẹn nguyên giá trị - để mỗi người tự hào lịch sử để phát huy trong hiện tại và tương lai, chứ không phải là ngẫm lại lịch sử một cách thụ động.

Ngày 25-10-2013, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Nghị quyết thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy nhận thức lý luận của Đảng về BVTQ Việt Nam XHCN. Về xây dựng Đảng, thực hiện Chiến lược BVTQ, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) xác định mục tiêu “Tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đây chính là cơ sở để Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm sai phạm với quan điểm “không có vùng cấm”, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Chiến lược nêu rõ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp BVTQ… Đặc biệt, kế thừa tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, Đảng ta đã không ngừng phát triển, hoàn thiện tư duy, nhận thức của mình về BVTQ trong điều kiện mới, trong đó khẳng định nguyên tắc, giữ nước phải được thực hiện ngay từ thời bình.

Đăng Minh