KỶ CƯƠNG, PHÉP NƯỚC CÓ NGHIÊM MINH THÌ CHẾ ĐỘ MỚI BỀN VỮNG

Trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã tiến hành bắt giữ, điều tra, truy tố nhiều đối tượng có hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong đó có cả công dân người nước ngoài. Điều này đã khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, có như vậy đất nước mới ổn định và phát triển, chế độ XHCN mới bền vững.

Trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài câu kết với số đối tượng trong nước ngày càng tinh vi và manh động, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng, đưa ra truy tố xét xử trước pháp luật. Trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng phản động trong nước lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để tung tin xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, đòi xóa bỏ chế độ XHCN, đòi “đa nguyên, đa đảng”,… cũng như kêu gọi người dân tuần hành, biểu tình trái phép, kích động bạo loạn trên internet. Các đối tượng phản động từ nước ngoài tìm cách xâm nhập trái phép về Việt Nam để móc nối với các thành phần bên trong để hoạt động. Nhiều đối tượng phản động đã phải nhận những bản án thích đáng, có thể kể đến như: Ngày 12/9/2018, TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên án Nguyễn Trung Trực - “Chi hội trưởng Hội AEDC tại miền Trung” 12 năm tù giam và 5 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Cũng với tội danh trên, trước đó TAND thành phố Hà Nội cũng đã tuyên án tù đối với Nguyễn Văn Đài và đồng bọn,trong đó Nguyễn Văn Đài là đối tượng cầm đầu cái gọi là “Hội AEDC”, chỉ đạo các thành viên hoạt động chống phá Nhà nước. Cũng liên quan đến “Hội AEDC” đối tượng Trần Thị Xuân (Hà Tĩnh) cũng đã phải cúi đầu nhận tội với mức án 9 năm tù và 5 năm quản chế,... Cách đây không lâu, cơ quan công an cũng đã bắt giữ và đưa ra truy tố trước pháp luật hàng chục đối tượng có hành vi gây mấy an ninh, trật tự trọng vụ biểu tình đầu tháng 6/2018.

Một động thái cứng rắn của cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đó là đã đưa các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài như cái gọi là “Đảng Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” do Đào Minh Quân cầm đầu,... vào danh sách “các tổ chức khủng bố” vì đã có những hành vi trực tiếp xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã công khai, truy nã đối với các đối tượng cầm đầu các tổ chức khủng bố trên, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng có thể xử lý các đối tượng phản động, khủng bố nhất là khi các đối tượng đang có quốc tịch nước ngoài. Cuối tháng 8/2018, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử 12 đối tượng thuộc tổ chức khủng bố “Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời” trong đó có một số đối tượng mang quốc tịch Mỹ vì đã có hoạt động khủng bố tại Việt Nam đặc biệt là vụ ném bom xăng gây cháy nổ tại kho tạm giữ xe vi phạm giao thông Công an thành phố Biên Hòa, Đồng Nai và đặt bom xăng tại Sân bay Tân Sơn Nhất tháng 4/2017.

Tổ chức khủng bố "Chính phủ Quốc gia Việt Nam lâm thời" do Đào Minh Quân cầm đầu.

Đối với công dân nước ngoài có hành vi xâm phạm an ninh, trật tự tại Việt Nam, Nhà nước ta đã thể hiện sự nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật. Liên quan đến vụ bạo loạn tại các tỉnh, thành phố phía Nam đầu tháng 6/2018, cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng William Nguyễn Anh, quốc tịch Mỹ vì đã có hành vi kích động biểu tình, bạo loạn. TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử công khai hành vi “gây rối trật tự công cộng” và ra lệnh trục xuất ngay lập tức William Nguyễn Anh ra khỏi Việt Nam. Gần đây, cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Việt Nam cũng đã thực hiện quyền cấm nhập cảnh đối với một số đối tượng là công dân người nước ngoài lợi dụng các sự kiện, hội nghị quốc tế để đến Việt Nam, móc nối với các đối tượng phản động trong nước. Lợi dụng Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (ViEF) đang được tổ chức tại Việt Nam các đối tượng Minar Pimple - Giám đốc Cao cấp Điều phối Toàn cầu Tổ chức Ân xá Quốc tế và Debbie Stothard, Tổng thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền - FIDH (đay là 2 chuyeenn gia cách mạng màu hàng đầu thế giới) đã cố tình nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích gặp gỡ các đối tượng chống đối chính quyền tại Việt Nam. Cơ quan Công an đã cấm nhập cảnh vào Việt Nam đối với 2 trường hợp trên theo điều 21 Luật Xuất nhập cảnh.

Xét xử William Nguyễn

Ở một khía cạnh khác kỷ cương, phép nước đã được duy trì đó là việc Đảng và Nhà nước ta đang quyết tâm với cuộc chiến, phòng chống tham nhũng. Liên tiếp các đại án kinh tế như Vinashin, Vinaline, AVG,  OceanBank, …. đã được điều tra, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều nhân vật “tai to mặt lớn” như Đinh La Thăng, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm), Út “trọc”,… đã phải hầu tòa vì những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Một minh chứng để chứng tỏ “pháp luật không có vùng cấm” khi liên tiếp Đảng, Nhà nước ta kỷ luật hàng loạt cán bộ, sĩ quan công an, quân đội cao cấp như Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, Bùi Trung Thành, Nguyễn Việt Tân, Phương Minh Hòa, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Minh Tuấn,… trong đó có cả kỷ luật, khởi tố và đưa ra xét xử cả Ủy viên Trung ương Đảng,…

Qua một số vụ việc trên chúng ta đã thấy rõ Nhà nước Việt Nam đang thi hành một chính sách pháp luật nghiêm minh, cứng rắn và bình đẳng kể cả đối với người nước ngoài, có can thiệp, yêu sách của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế. Việc ta bắt giữ và đưa ra xét xử các đối tượng phản động, khủng bố, tội phạm kinh tế,… chính phủ các nước như Mỹ, Canada,… các tổ chức quốc tế nhân danh “dân chủ”, “nhân quyền” đã ra yêu sách vô lý “đòi Việt Nam thả ngay lập tức” các đối tượng, đe dọa cô lập Việt Nam trong quan hệ quốc tế,… Tuy nhiên, phía Việt Nam đã thể hiện một lập trường nhất quán, đúng đắn, khẳng định đây là công việc nội bộ của Việt Nam, trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, đó là hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước ta. Công dân các nước nếu vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu sự trừng trị của pháp luật Việt Nam.

Vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý xã hội của Nhà nước được củng cố thông qua quyền lực Nhà nước mà trực tiếp là hệ thống pháp luật và lực lượng bảo vệ pháp luật. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã dần hoàn chỉnh, lực lượng bảo vệ pháp luật Việt Nam có đủ khả năng để phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, bọn tội phạm có trình độ, có tổ chức thậm chí với vỏ bọc “cao cấp”, người của đơn vị phòng chống tội phạm,… tưởng chừng không thể là kẻ chủ mưu đứng đằng sau mọi hoạt động phạm pháp. Cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án, viện kiểm sát,… đã thực thi đúng và phát huy vai trò, quyền hạn của mình trong duy trì trật tự của xã hội.

Mọi hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc đều bị trừng trị thích đáng. Chỉ khi pháp luật Nhà nước  - kỷ cương phép nước được thực hiện triệt để, nghiêm minh góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội, tạo điều kiện kinh tế phát triển cũng như vị thế quốc gia, dân tộc Việt Nam mới bình đẳng với các quốc gia dân tộc khác. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ngày càng tin tưởng và ủng hộ, uy tín của Đảng, Nhà nước càng lớn, một khi lòng dân đã thuận thì chế độ XHCN mới tồn tại bền vững.                                                                       

 HOÀNG ANH