GIA CỐ “BỘ LỌC VĂN HÓA”

 

Bài báo “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ra mắt hôm qua trên các phương tiện truyền thông đại chúng thu hút được sự quan tâm, đồng tình rộng rãi của dư luận.

Nhiều vấn đề nêu trong bài báo cần được nghiên cứu, phân tích, liên hệ cụ thể hơn trong các hoạt động xã hội nói chung và trong công việc của các cơ quan, của những người có trách nhiệm liên quan nói riêng. Trong các vấn đề đó có nội dung mà tác giả bài báo đã nêu là trang bị cho những cư dân mạng, những người dân “bộ lọc văn hóa” là một việc lớn vừa căn bản, vừa cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Với “bộ lọc văn hóa” từ lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự chủ, tự lực tự cường, dân tộc ta đã đứng vững trước mọi cơn sóng gió của thời cuộc, trong đó có những thử thách vô cùng ngặt nghèo để không những không bị đồng hóa, suy vong mà còn hình thành và phát triển bản sắc, đồng thời chủ động chọn lọc, tiếp biến văn hóa từ bên ngoài để không ngừng tiến bộ, làm giàu có thêm nền văn hóa của dân tộc. Trước tác động rất mới, rất nhanh và rất lợi hại của internet và mạng truyền thông xã hội hiện nay, “bộ lọc văn hóa” đó phải được bổ sung, nâng cấp, trang bị mới cho cả đất nước, xã hội và từng cư dân mạng, từng người dân. Đó chính là việc chủ động, thiết thực để nâng cao dân trí, kiến tạo sức đề kháng, kỹ năng mềm để mỗi người sử dụng mạng xã hội có thể nhận biết được thực và giả, đúng và sai, nên và không nên để tiếp nhận và phát huy cái tích cực, hạn chế và ngoảnh mặt, đấu tranh với những thông tin sai trái, xấu độc.

GIA CỐ “BỘ LỌC VĂN HÓA”
 Ảnh minh họa: TTXVN.

Trong thực tế, nhiều nhóm cư dân mạng và người dân đã hình thành những nhóm phản ứng tích cực trên mạng và cả trong giao tiếp hằng ngày. Tuy nhiên, những hoạt động đó phần nhiều vẫn diễn ra tự phát và không tập trung. Những cơn “bão mạng” theo hướng lành mạnh đã xuất hiện khá kịp thời, nhưng nhìn chung vẫn chưa đủ sức mạnh lấn lướt, áp chế những thông tin lệch lạc, sai trái. Mặt khác, sự thờ ơ, lúng túng, bỏ qua trước những luồng thông tin “vô hại” nhưng lập lờ, tinh vi là hiện trạng phổ biến. Không ít người hiểu biết nhưng vì nhiều lý do họ ngần ngại biểu lộ thái độ, quan điểm của mình. Bởi thế, rất cần sự khuyến khích, động viên hữu hiệu để những người hiểu biết, có uy tín, những cán bộ, đảng viên nhập cuộc chủ động, tích cực hơn nữa để hình thành những làn sóng thông tin, trao đổi thuyết phục với nhiều nhân tố trở thành “những người dẫn dắt dư luận”, “những người có ảnh hưởng” tin cậy, lịch lãm trên mạng xã hội.

Muốn mỗi cư dân mạng, mỗi người dân có được “bộ lọc văn hóa” thì đương nhiên các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực sự phát huy vai trò “bộ lọc” tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, định hướng thông tin chuẩn xác, kịp thời và thuyết phục. Dư luận xã hội đồng thuận với chủ trương sắp xếp lại hệ thống báo chí, truyền thông để ngăn ngừa những lệch lạc, xa rời tôn chỉ mục đích và lãng phí, đồng thời phát triển nhiều cơ quan báo chí thành cơ quan đa phương tiện kịp thời tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa trong thông tin, tuyên truyền, làm chỗ dựa tin cậy cho cộng đồng mạng và xã hội.

Mạng xã hội đã là một phần thực của cuộc sống, liên quan đến mọi người dân, vậy nên việc hướng dẫn cho mọi người là trách nhiệm chung không của riêng ai. Từ gia đình, nhà trường, từ những nhóm bạn bè, từ hàng xóm láng giềng đến mỗi cơ quan, cơ sở, cộng đồng dân cư đều nên giúp đỡ, bảo ban, trao đổi và thảo luận để cùng nhau có thái độ đúng, ứng xử đúng trước mọi luồng thông tin. “Bộ lọc văn hóa” chỉ có thể hình thành và được gia cố trong mỗi người dân theo cách nâng đỡ, dìu dắt, khuyên bảo nhau như mưa dầm thấm lâu.

Và “bộ lọc văn hóa” trước mạng xã hội không thể tách rời khỏi mọi hoạt động sống thực tại. Từ trẻ thơ đến người trưởng thành cần được biết đến, tìm thấy và san sẻ tình yêu thương, niềm vui, niềm hạnh phúc ngay trong thực tại lao động vất vả, lặn lội kiếm sống, làm giàu và đóng góp. Có “bộ lọc văn hóa”, con người tin vào sức mình và tin yêu cuộc sống.

NGUYỄN ANH