Đại biểu Quốc hội cần chuyên nghiệp, am hiểu nhiều lĩnh vực

Lập hiến, lập pháp là một trong 3 chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản nhất, đặc trưng nhất của Quốc hội (QH). Muốn nâng cao chất lượng lập pháp, trên hết, mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần phải thực sự là một nhà lập pháp chuyên nghiệp, am hiểu nhiều lĩnh vực…

Đưa nguyện vọng của đông đảo cử tri vào luật

Theo quy định của Hiến pháp, QH Việt Nam là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Các ĐBQH đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của toàn bộ cử tri trên cả nước, đưa nguyện vọng của đông đảo cử tri vào các đạo luật. Thông thường, các đại biểu sẽ rất dễ nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng trong cùng nhóm tuổi, cùng giới tính, cùng lĩnh vực công tác, cùng vùng miền, cùng dân tộc. Bởi vậy, về nguyên tắc, ĐBQH cần được cơ cấu theo các thành phần trong xã hội, bao gồm độ tuổi, lĩnh vực, giới tính, dân tộc, địa phương… để bảo đảm tính bao trùm, toàn diện.

Tuy nhiên, QH cơ cấu theo các thành phần xã hội chỉ trở thành phương án ưu việt nhất khi mỗi ĐBQH đều phải là một nhà lập pháp chuyên nghiệp và đa tài. Muốn vậy, ĐBQH cần thiết phải có kiến thức chuyên ngành luật, đồng thời có kiến thức chuyên môn giỏi trong lĩnh vực mình đại diện, là người có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, am hiểu nhiều lĩnh vực.

QH nước ta không hoạt động thường xuyên nên đa số ĐBQH kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy chính quyền hoặc các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Sự kiêm nhiệm này là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nhưng chỉ nên giới hạn ở một mức độ, tỷ lệ phù hợp nhằm ngăn ngừa được sự giao thoa về nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu, dẫn đến xung đột lợi ích hoặc không đủ điều kiện, chưa toàn tâm toàn ý để tham gia sâu vào công tác lập pháp và thực hiện các nhiệm vụ khác của đại biểu một cách thực sự hiệu quả. Do đó, chưa phát huy được trí tuệ và sự tham gia đông đảo của các ĐBQH vào hoạt động xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh.

Là người làm công tác lập pháp, nếu ĐBQH không có kiến thức chuyên ngành luật, chất lượng đóng góp xây dựng pháp luật chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế. Đã có ĐBQH do thiếu kiến thức chuyên ngành luật, nên trong lúc phát biểu sử dụng thuật ngữ sai-một điều tối kỵ với các nhà lập pháp, bởi trong lĩnh vực này, sai một chữ có thể gây thiệt hại khôn lường, thậm chí có thể làm lệch chuẩn xã hội.

Muốn vậy, cần ưu tiên những người ứng cử ĐBQH đã qua các lớp đào tạo chuyên ngành luật. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, cần kịp thời bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành luật qua các lớp đào tạo chuyên biệt dành cho người trúng cử ĐBQH. Trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp QH, khi đã có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, cần tổ chức các lớp đào tạo kiến thức luật và kiến thức chuyên ngành với những luật dự định sẽ được QH xem xét, thảo luận trong kỳ họp kế tiếp. Ví dụ, tại Kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV sẽ thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Lực lượng dự bị động viên. Trong khoảng thời gian giữa Kỳ họp thứ sáu và Kỳ họp thứ bảy, Văn phòng QH hoặc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh liên quan tới lĩnh vực dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, về kỹ thuật lập pháp và kiến thức luật học được áp dụng khi xây dựng các đạo luật này… Như vậy, khi thảo luận, các ĐBQH sẽ có ý kiến sâu sắc, đúng, trúng vấn đề; hoặc dễ dàng nắm bắt vấn đề khi nghe các đại biểu khác phát biểu, nghe tranh luận và giải trình. Đây là cơ sở rất quan trọng giúp ĐBQH có quyết định đúng đắn, sáng suốt trong lúc bấm nút thông qua luật.

Mặt khác, ĐBQH cũng cần nêu cao tinh thần tự học tập, tự rèn luyện. Mới đây, khi phát biểu trước QH, Đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, ĐBQH khóa XIV đề nghị: “Đại biểu không ngừng tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn đủ khả năng thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của mình trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh thời gian tới”.

Khi một ĐBQH thực sự hiểu biết sâu sắc về khoa học pháp lý, có trình độ chuyên môn giỏi thuộc lĩnh vực mình phụ trách, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và hiểu biết rộng trên các lĩnh vực khác, ĐBQH ấy sẽ có những đóng góp rất tích cực vào hoạt động lập pháp của QH. Khi mọi ĐBQH đều đáp ứng được tiêu chuẩn đó, chất lượng lập pháp sẽ được nâng lên và sẽ không còn tình trạng có ĐBQH cả nhiệm kỳ không phát biểu hoặc rất hiếm khi phát biểu, làm cử tri và nhân dân thất vọng.

Tiếp nhận thông tin từ các cử tri

Trước mỗi kỳ họp, các đoàn ĐBQH thường phối hợp với ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Đây là dịp để các ĐBQH thông báo với cử tri các nội dung sẽ được QH xem xét, ghi nhận ý kiến cử tri về các vấn đề mà QH chuẩn bị bàn thảo để phản ánh tới QH tại các phiên họp. Tuy nhiên, do thời gian dành cho một cuộc tiếp xúc thường chỉ gói gọn trong một buổi, với khối lượng nội dung thông báo rất lớn và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nên rất khó nắm bắt được hết tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các đoàn ĐBQH, mỗi ĐBQH cần tăng cường tiếp xúc cử tri theo từng chuyên đề hoặc từng nhóm chuyên đề mà QH chuẩn bị xem xét theo hướng mở để các cử tri quan tâm có thể tới dự, đề đạt ý kiến, nguyện vọng. Các ĐBQH tiếp nhận những thông tin hữu ích từ cử tri. Trước khi tiếp xúc trực tiếp với cử tri, đoàn ĐBQH và mỗi ĐBQH có thể thông báo rộng rãi về nội dung chuyên đề tại buổi tiếp xúc, giới thiệu sơ bộ về các dự án luật sẽ được đề cập trong buổi tiếp xúc thông qua hệ thống truyền thanh xã, phường hoặc báo chí địa phương để cử tri theo dõi, chuẩn bị ý kiến có chất lượng.

Tại mỗi buổi tiếp xúc chuyên đề như vậy, ĐBQH cần nghiêm túc ghi nhận ý kiến cử tri, nhân dân để phản ánh lại trong các phiên họp của QH; đồng thời giải thích rõ chính sách của Đảng, Nhà nước khi thấy có hiện tượng cử tri, nhân dân hiểu chưa đúng bản chất vấn đề, bị lôi kéo bởi các đối tượng xuyên tạc sự thật với dụng ý xấu.

Khi các cuộc tiếp xúc cử tri được thực hiện theo cách đi vào chiều sâu để huy động trí tuệ từ cử tri và nhân dân, luật sẽ thấm đượm hơi thở cuộc sống hơn, bớt xa rời thực tiễn hơn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, tính khả thi cao hơn nên “vòng đời” của luật sẽ dài hơn. Cùng với đó, nếu việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân được tiến hành kịp thời; những vấn đề, nội dung bị xuyên tạc phục vụ mưu đồ xấu được giải thích kịp thời, thấu đáo thì sẽ không có những vụ việc đáng tiếc như khi QH bàn về dự án Luật Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc như thời gian qua.

Chất lượng ĐBQH có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của QH. Việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách, tăng tỷ lệ ĐBQH có năng lực, trình độ chuyên môn sẽ góp phần quan trọng, thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của QH. Các ĐBQH chuyên trách phải trở thành nòng cốt trong việc xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát cũng như các hoạt động khác của QH.

(NGUYỄN SINH HÙNG, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội)

PHÚ THỌ - CHIẾN THẮNG