ĐỪNG GÂY PHIỀN MUỘN CHO NGƯỜI DÂN

Tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội, đã ra đời, tồn tại và phát triển hàng nghìn năm. Mỗi tôn giáo tôn thờ một đấng linh thiêng, có giáo lý riêng và phương thức hoạt động cũng khác nhau. Nhưng các tôn giáo đều gặp nhau ở điểm chung đó là đề cao các giá trị đạo đức, hướng con người đến với Chân - Thiện - Mỹ...

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với sự tồn tại của các tôn giáo lớn trên thế giới, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo... cùng với những tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hoà Hảo... Tôn giáo đã hoà quyện vào văn hoá dân tộc, góp phần hình thành nền văn hoá Việt Nam đặc sắc và thống nhất.

Xuất phát từ lòng thương người, lấy việc phục vụ, hy sinh vì con người làm mục đích, lý tưởng của đời tu nên các tổ chức, cá nhân tôn giáo rất coi trọng và tích cực làm từ thiện. Nhiều tổ chức tôn giáo đã thành lập cơ sở bảo trợ để cưu mang, che chở cho các số phận bất hạnh; thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, lang thang... và thực hiện các hoạt động nhân đạo trên nhiều lĩnh vực của đời sống, như: y tế, giáo dục, văn hoá...  Nhiều chức sắc tôn giáo đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... và đã được xã hội ghi nhận.

Tuy nhiên, điều đáng phê phán ở đây là có những phần tử cơ hội, thù địch đã lợi dụng tôn giáo để thực hiện dã tâm về mặt chính trị. Với sự “hà hơi tiếp sức” của các thế lực phản động nước ngoài, chúng mượn danh đấng thần linh tối cao, tung ra những luận điệu sai trái, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, rồi lôi kéo, dụ dỗ tín đồ, tập hợp lực lượng chống phá Đảng, Nhà nước. Tất cả nhằm mục đích chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, xúi giục biểu tình, bạo động lật đổ chế độ... Những hành động này dù được che đậy khéo đến đâu thì cũng bị vạch trần. Bởi lẽ, chẳng những nó trái ngược với giáo lý tốt đẹp của các tôn giáo, mà còn vi phạm pháp luật. Và tất nhiên, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, lên án.

Một vị chức sắc tôn giáo coi thường luật pháp, ngang nhiên lấn chiếm đất đai, xâm hại mồ mã của người dân, đốn cây phá rừng, trực tiếp phá hoại sự yên bình bao đời nay của một làng quê... Thử hỏi, có xứng đáng với vai trò là nhà tu đức hạnh không? Những hành động hung hăng, chửi bới, thoá mạ nhân dân, liệu đó có phải là hình ảnh một “ bề trên” đáng kính không? Người tu hành phải hướng con người tới những tốt đẹp, thoát khỏi tối tăm, lầm lạc. Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội ghi nhận, tôn vinh những chức sắc tôn giáo có đóng góp, sống “tốt đời đẹp đạo”. Đồng thời, sẽ kiên quyết đấu tranh với những kẻ lợi dụng tôn giáo, miệng đọc kinh văn, lời nói đạo lý, nhưng nói một đằng, làm một nẻo, gây ra bao nỗi phiền muộn, nhức nhối cho người dân.

Huyền Minh