ĐỪNG ĐEM RẮC RỐI VỀ ĐÂY


Đó là đề nghị của chúng tôi – những người dân ở Huế nhân chuyện mấy anh tài xế học đòi cánh lái xe trong Nam dùng tiền lẻ khi thanh toán qua BOT Cai Lậy khi qua Trạm thu phí Phú Gia – Phước Tượng. Cuộc đời cái chi cũng có nguyên do của nó đừng ưa chi làm nấy mà ảnh hưởng đến chúng tôi.
BOT là kết quả của chính sách  xã hội hóa của Nhà nước, khi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành giao  thông vận tải nhằm giảm bớt áp lực chi của ngân sách. Chính phủ giao cho các doanh nghiệp xây dựng, sửa chữa các tuyến đường, các công trình giao thông khác sau đó được phép lập các trạm thu phí (BOT) để lấy lại vốn đã đầu tư trong một thời gian nhất định. Vị trí đặt BOT phải được cân nhắc, tính toán hợp lý. Mấy năm nay, giao thông Việt Nam và Thừa Thiên Huế quá thuận lợi, Quốc lộ 1A được nâng cấp, mở rộng, nhiều hầm xuyên núi như Hải Vân 1 và sắp đến là Hải Vân 2, Phước Tượng,… cánh tài xế tha hồ mà chạy xe, lại kéo thêm dân sống xung quanh con đường ấy, hàng quán mở ra như nấm, đời sống phất lên nhờ bám đường để kinh doanh. Nhờ đâu? Nhờ ông đầu tư đổ tiền để nâng cấp, sửa chữa đường xá, cầu cống, hầm xuyên núi cho dân lưu thông! Ông đầu tư đổ cả núi tiền thì họ phải cố mà lấy lại vốn và sinh lợi nhuận – làm ăn từ to đến nhỏ đều hướng tới lợi nhuận mà thôi. Chuyện qua BOT phải trả tiền cũng bình thường như ta thuê doanh nghiệp về sửa đường nhưng không trả một lần sau khi xong mà trả từng chút một theo mức phí đã được tính toán chứ không phải ưa chi làm nấy. Từ ngày đường xá ngon lành thì chắc chắn việc làm ăn, đi lại của nhân dân ta thuận lợi hơn chỉ là vì nó không cụ thể nên cứ tưởng tốn kém.
Anh tài xế hôm trước qua BOT Phú Gia – Phước tượng đã cố ý dùng tiền để thanh toán vậy nên mới có người quay clip ấy. Thứ nhất, tôi nói anh quá con nít, con nít ở chổ anh chả biết nghĩa vụ của anh với xã hội là gì cả. Người ta đào đường hầm, làm đường cho anh chạy thì anh phải trả tiền cho họ như anh mua bán thì phải trả tiền cho đối tác. Thứ hai, anh chả tôn trọng người khác, anh không tôn trọng nhân viên trạm khi cố ý gây khó dễ cho họ, hạch sách họ đếm một cọc tiền lẻ và anh chẳng tôn trọng người đi đường khác vì cái trò trẻ con của anh mà biết bao xe đằng sau anh phải chờ - trong đó có tôi! Anh cứ nghĩa đặt anh vào vị trí của những con người ấy thì bản thân anh có “sừng cồ” lên không? Ý thức tồi như vậy mà cũng đòi làm người nổi tiếng, anh hùng trên mạng. Không có BOT ấy xin mời anh lên đèo Phước Tượng và Hải Vân mà lăn bánh, ra oai với khỉ nhé! Đáng lẽ ra hành vi trẻ con của anh tài xế kia phải được lên án thì đằng này báo chí, cộng đồng mạng lại giật tít, tung hô, đòi “ủng hộ”. Chuyện của BOT Cai Lậy đúng sai chúng ta rồi sẽ được biết và đó là chuyện của cánh tài xế ở trong kia, thường xuyên đi qua chứ dân lái xe ở Huế đừng học đòi kiểu anh hùng rơm, anh hùng trẻ con của họ, hãy để quê hương bình yên, chú tâm mà làm ăn và để xã hội yên bình.
Các dự án BOT – xã hội hóa rất có ý nghĩa phát triển kinh tế, xã hội. Chuyện phá các trạm BOT từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Cai Lậy (Tiền Giang),… có bàn tay của những kẻ phá hoại chuyên nghiệp và của những người kém hiểu biết, ưa thể hiện. Đừng để chúng mò đến Huế của chúng ta.
PHÚ LỘC