ĐỒNG TÌNH TỔNG BÍ THƯ KIÊM CHỦ TỊCH NƯỚC

 

Một trong những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận đó là việc giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 8. Theo kế hoạch, Bộ Chính trị sẽ trình Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Trước đó, sau hơn một năm điều trị bệnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần hồi 10h05 ngày 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công quyền Chủ tịch nước và giữ cương vị này cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất 100% giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6.

Sau nhiều nhiệm kỳ, đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức danh Chủ tịch nước - người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Dư luận kỳ vọng nhân sự Chủ tịch nước sẽ là người có tâm, có tầm để lãnh đạo đất nước đi lên theo kịp xu hướng CNH-HĐH hiện nay. Nhiều quan điểm bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với mô hình Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận định, việc giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước đã được làm một cách thận trọng, chặt chẽ; đồng chí phân tích, phương án Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước diễn ra trong tình huống đặc biệt, người đang giữ cương vị Chủ tịch nước đột ngột qua đời. Vì thế có nhiều vấn đề về công tác nhân sự cấp cao trong Đảng dồn về cùng một lúc. “Việc thì cấp bách, phải quyết định ngay mà cũng khó vì đất nước phải có nguyên thủ, nước không thể một ngày thiếu vua” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phân tích.

Cũng từng có phương án khác là để nhân sự giữ quyền Chủ tịch nước một thời gian, hết nhiệm kỳ này rồi mới tính phương án Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Phương án này, theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, không phải không được nhưng mang tính tạm thời. Thiệt, hơn giữa các phương án phải xem xét, nhưng thống nhất 2 chức danh nếu thấy “ổn thoả” thì nên bàn. Theo nguyên Tổng Bí thư, điều kiện đặt ra là chọn được người đủ uy tín để vừa giữ chức vụ đứng đầu Đảng đồng thời là người đại diện nhà nước thì nên thực hiện sớm việc này.

“Muốn chọn một người khác làm Chủ tịch nước thì chắc không phải là không thể có người. Nhưng Bộ Chính trị đã phải tính toán để trình Trung ương xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng rồi. Việc này đã được làm một cách thận trọng, chặt chẽ” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét.

Phân tích về khía cạnh pháp lý, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng, phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước bảo đảm sự thống nhất của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tập quán quốc tế, công tác ngoại giao. Hiến pháp và các quy định của pháp luật liên quan đều không có vướng mắc trong việc để người đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhận vị trí nguyên thủ quốc gia.

Ông Thưởng nhìn nhận, việc thu gọn đầu mối trong tình huống này, người giữ vị trí sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự bố trí khoa học, hiệu quả. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đầy đủ điều kiện và uy tín làm Chủ tịch nước. Tôi tin Quốc hội sẽ bỏ phiếu tán thành”, ông Thưởng nói.

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng phân tích, chuyện phân công một người làm hai nhiệm vụ, một nhiệm vụ bên đảng và một nhiệm vụ bên nhà nước tất nhiên lãnh đạo đó sẽ vất vả hơn. Nhưng cả hai công việc đều nhằm một mục đích là phục vụ nhân dân. Vậy thì miễn là nhân sự được đề xuất đảm đương cả “hai vai” có đủ nhân cách, năng lực để làm việc.

Đặc biệt nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Vũ Ngọc Hoàng nhận định, sự phối hợp công việc giữa Đảng và Nhà nước sẽ giúp việc chống tham nhũng tiêu cực tốt hơn. Tổng bí thư được bầu giữ Chủ tịch nước là việc bình thường. Bởi bản chất ở đây là một người, được phân công hai nhiệm vụ vừa là đứng đầu Đảng, vừa là đứng đầu Nhà nước. Bởi vậy, việc Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất. “Đó là sự phân công, trong thời điểm nào đó kể cả về phía Nhà nước, về phía Đảng, thì chúng ta thực hiện. Hiện nay, tôi nghĩ là đúng thời điểm, chín muồi rồi, do vậy, tôi rất ủng hộ chủ trương này”, ông Vũ Ngọc Hoàng nói.

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ, nếu Bộ Chính trị giới thiệu Tổng Bí thư ra Trung ương quyết định để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước sẽ là phương án tốt nhất. Ông Vũ Mão cho biết, qua tham gia, theo dõi các cuộc trao đổi, thảo luận của các cán bộ lão thành, các cựu đại biểu Quốc hội, ông Mão nhận thấy có nhiều phương án được đề xuất nhưng theo quan điểm của ông, phương án Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước trong tình hình hiện nay là tốt nhất.

“Tôi rất mừng nếu Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân”, ông Vũ Mão nói.

Thực tế, mô hình đảm nhiệm “hai vai” không phải là vấn đề mới, đã được triển khai thí điểm ở cấp địa phương trong hơn 10 năm với mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã.

Theo ông Vũ Mão, soi lại lịch sử của Đảng, Nhà nước từ giai đoạn đầu tiên, có thể thấy Bác Hồ đã làm Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước.

Đó là mô hình rất tốt. Do điều kiện, sau này, xét tới nhiều yếu tố, nên từ sau khi Bác mất năm 1969 cho đến nay, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội chúng ta thực hiện lại là rất tốt.

Tiến sỹ Vũ Cao Phan, người hiện đang làm việc tại Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương, bình luận:

"Việt Nam đã nhận thấy từ lâu sự cần thiết không nên để tách rời hai chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước trong cấu trúc lãnh đạo chính trị. Từ thời ông Lê Khả Phiêu đã muốn như vậy. Nhưng bởi nhiều lý do những chức danh này vẫn chưa được kết hợp làm một.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan nhấn mạnh: "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng bày tỏ e ngại sự kết hợp có thể dẫn đến độc tài. Tôi không cho là như vậy. Độc tài hay không trước hết là tư tưởng. Trong các nước XHCN chỉ còn Việt Nam vẫn tách biệt hai chức danh này. Sự ra đi của ông Trần Đại Quang là điều kiện chín muồi. Không nên hoặc không thể chậm trễ hơn nữa. Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng là thích hợp cho cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước."

Ở Tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo người dân bày tỏ sự đồng tình với các quan điểm nêu trên, rất tâm đắc với nhận định của Ông Vũ Ngọc Hoàng: người giữ cương vị Tổng Bí thư vừa là Chủ tịch nước có nhiều thuận lợi. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp công việc của Đảng và Nhà nước. Kể cả phối hợp trong việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong đối nội, đối ngoại cũng rất thuận lợi. Ngoài ra, thời gian trong việc thực hiện chủ trương từ Đảng sang Nhà nước sẽ nhanh hơn, kịp thời hơn. Bộ máy cũng được tinh gọn lại…

                                                           THUẬN HOÁ

                                                              (Tổng hợp)