DẠY CON

Hằng ngày tôi sáng chiều đến cơ quan đều chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh đưa đón con cái đi học và về nhà. Riêng việc đưa đón con em mình thôi cũng đủ biết gia đình đã góp phần giáo dục các em nên người như thế nào. Thế nhưng đáng buồn khi không ít bậc phụ huynh “quên” vai trò làm thầy của mình.

Sáng đưa con đi học, chiều đón con về nhà trên chiếc xe máy cả bố mẹ lẫn con đều để đầu trần, không thèm đội mũ bảo hiểm, khi con nhắc đội mũ thì buông câu “Mũ với mão, không chết mô mà sợ!”  Lại nữa đến ngã tư, đèn giao thông đã bật đèn đỏ, vị phụ huynh nhanh nhẹn lách sang phần đường kia, vượt lên, con lại hỏi “Răng ba vượt đèn đỏ?” – “Không vượt để trể à!”. Em bé tội nghiệp, nhìn lại thấy bạn bè mình đang yên trí ngồi trên xe của bố mẹ đầu đội mũ bảo hiểm và đợi đèn đỏ, miệng nhẩm theo chữ số chạy lùi mà thấy xấu hổ, em xấu hổ với cô giáo chiều qua dạy cách tham gia giao thông “đèn đỏ dừng lại, đèn vàng chạy chậm, đèn xanh được đi” thế mà bố em không cho em cơ hội để thực hành những đều đúng đắn.

Lại có trường hợp phụ huynh vừa chở con đi học, một tay cầm lái còn tay kia cầm chiếc điện thoại nói chuyện với người khác, miệng liên tục văng ra những từ tục tĩu, chửi thề, nhũng câu từ gian hồ, đâm thuê chém mướn,… Người đi đường ai cũng ái ngại, nhìn hai bố con mà lắc đầu. Vị phụ huynh ấy đã dạy con mình những “mỹ từ” không phù hợp và những từ ấy từ người lớn đến trẻ em đều không cần phải biết, quan trọng hơn một bài học “thiếu tôn trọng người khác” đã được rao giảng và tất nhiên nó dễ thấm nhuần hơn bài học thầy cô giảng ở lớp “phải biết quý trọng, thương yêu mọi người” bởi bài học của bố em cứ lặp đi, lặp lại hằng ngày đưa đón, lúc ở nhà nên từ lúc thuộc và vận dụng lại những câu từ ấy rất nhanh. Cũng giống như trường hợp tôi phải góp ý với cô gái nọ: Ở đường Đinh Tiên Hoàng nhỏ hẹp, trước cổng trường M.N một bà mẹ trẻ đến đón con trên chiếc xe Lead mới cóng, trông chị ta cũng sành điệu, đón được con chị ta rồ ga mà không đội mũ bảo hiểm cho cả hai. Con gái hỏi “Mẹ không sợ Công an bắt à?” vị phụ huynh buông ngay một câu “Công an là cái gì mà phải sợ!” Và rồi đến ngã tư cầu Trường Tiền thì bị anh Cảnh sát giao thông tuýt còi, con gái thì sợ sệt còn chị ta dửng dưng, khoanh tay cãi lý với anh Công an, lỗi sờ sờ ra đây mà vẫn cố cãi chày cãi cối nên anh Công an cũng cho đứng đấy mà chày cối, đến lúc đuối lý chị ta giở thói hạnh họe, dọa nạt viên công quyền, đã 6 giờ kém chắc con đã đói nhưng mẹ vẫn chống nạnh lý sự cùn. Bực mình tôi cùng mấy ông xe thồ đến, tất nhiên chúng tôi chẳng liên quan nhưng đến để góp ý cho chị ta. Lỗi chị ta rõ ràng ra đấy, hai chiếc mũ bảo hiểm còn nằm trong cốp xe còn nóng hơi máy, bằng lái, giấy tờ gì cũng không thế mà vẫn cãi để con cái vừa đói vừa mệt, cuối cùng bà mẹ quý hóa ấy cũng nhận lỗi, ký vào biên bản nhưng miệng vẫn lẩm bẩm chửi thề. Đấy chính bà mẹ ấy đã cố ý dạy con mình ý thức “không tôn trọng pháp luật” – đều mà mỗi công dân trước tiên phải được biết, người coi thường pháp luật thì chỉ sống ngoài vòng pháp luật mà thôi, lại còn dạy thêm thói côn đồ, hạnh họe với người khác như dân chợ búa, dạy thêm bí quyết gian dối, ích kỉ khi sai mà không chịu nhận sai để sửa chữa,..

Nhiều thanh thiếu niên thời nay sớm sa vào con đường phạm tội, đạo đức suy đồi khiến nhiều người than phiền xã hội, nhưng xã hội chỉ là nơi phản ánh của hiện trạng. Có trách thì trách cách giáo dục của chúng ta và trong đó gia đình phải nhận trách nhiệm lớn, con người gắn bó với gia đình, người thân nhiều thời gian trong cuộc đời, bắt chước những gì ông bà, bố mẹ, anh chị em, dòng tộc,… đang làm. Vậy nên mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh phải ý thức rằng mỗi hành động, lời nói của chúng ta là một bài học dạy con em nên người.

KIM LIÊN