ĐẤU TRANH VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Sau một thời gian luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, cơ quan chức năng Việt Nam đã liên tục đấu tranh có hiệu quả với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bắt giữ Trần Hoàng Phúc - admin fanpage "Đô Thành Sài Gòn"

Không gian mạng trước đây hầu như bị “bỏ ngõ” bởi chưa có một bộ luật nào quy định đối với các hoạt động vi phạm pháp luật trên internet, hoặc nếu có thì cũng chung chung, chưa thống nhất điều này đã khiến cho cơ quan chức năng bị động trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động xâm hại an ninh, trật tự. Đồng thời, không gian mạng trở thành một “vùng đất tự do” để các đối tượng xấu, phản động trong và ngoài nước cũng như bọn tội phạm mạng hoạt động mà không phải dè chừng bởi pháp luật. Do đó, từ khi Dự thảo Luật An ninh mạng được đưa ra thảo luận và thông qua cũng như sau khi đưa vào triển khai, áp dụng các thế lực thù địch và những người kém hiểu biết không ngừng xuyên tạc vai trò, ý nghĩa của bộ luật này nhằm chống phá quyết liệt, không để Luật An ninh mạng được thi hành.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng của Việt Nam đã đấu tranh với hàng chục đối tượng có hành vi lợi dụng internet để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, kích động, kêu gọi biểu tình, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ổn định, phát triển của đất nước. Ngày 12/2/2019, Công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ đối tượng Phan Chí Toàn (sinh năm 1984) chủ nhân tài khoản facebook “Phan Rio” để tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị. Đồng thời viết bài đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung kích động kêu gọi biểu tình, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thể hiện thái độ chống đối cực đoan. Cũng tại Bến Tre ngày 01/02/2019, đối tượng Trần Hoàng Phúc đã bị CQANĐT Công an tỉnh này triệu tập để làm rõ hành vi sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Nhà nước, cụ thể Phúc đã sử dụng tài khoản Facebook tên “Ngọc Phúc” tham gia nhiều hội, nhóm chống đối chính trị như: Miền Nam Việt Nam, Đô Thành Sài Gòn Fanclub, Thích BBC Vietnamese…, Bản thân Phúc đã tham gia viết nhiều bài, đăng tải, chia sẻ, bình luận nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền phá hoại tư tưởng, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xuyên tạc lãnh tụ Hồ Chí Minh trên internet.

Trước đó, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình và một số tỉnh thành trên cả nước xuất hiện thông tin một số lượng lớn tiền giả (200 tỷ) đang lưu thông đã gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong dịp cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Qua điều tra, ngày 31/01/2019, Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định rõ đối tượng tung tin sai sự thật trên là Nguyễn Đăng Hải (31 tuổi, ở thôn Tân Phong, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy), Hải khai nhận thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt và đã được mình sao chép, chỉnh sửa và đăng tải  lên trang facebook cá nhân.

Mới đây nhất, cơ quan chức năng cũng đã kịp thời đấu tranh và bắt giữ hàng loạt đối tượng có hành vi sử dụng mạng xã hội facebbook kích động, kêu gọi người dân xuống đường biểu tình trong thời gian diễn ra sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội . Trong số đó có cả đối tượng tuổi đời còn rất nhỏ hoặc là một giám đốc doanh nghiệp, có đối tượng sẻ dụng nhiều tài khoản khác nhau để hoạt động.

Đối tượng Huỳnh Trương Ca tại CQCA

Ở mặt khác, sau khi Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực và thông tin cơ quan chức năng đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật trên internet thì tần suất các tin bài, thông tin xuyên tạc, sai trái của các đối tượng phản động giảm dần. Thậm chí, lo sợ bị “sờ gáy” nên có đối tượng ngừng hoạt động, “nằm im” hoặc chuyển sang hình thức chống phá khác, không trực tiếp phát ngôn như trước mà phải chia sẻ bài viết, hình ảnh từ tài khoản khác. Điển hình đó là trường hợp của đối tượng Nguyễn Thị Thùy (Thừa Thiên Huế ) từ sau khi liên tiếp các đối tượng trong “Nhóm Hiến pháp” bị cơ quan chức năng điều tra, xét xử như Huỳnh Trương Ca tại Đồng Tháp (facebook “Thằng Nhà Quê”), Dương Thị Lanh tại Đắc Nông, ... thì Nguyễn Thị Thùy đã không còn tổ chức live stream xuyên tạc trắng trợn trên mạng xã hội facebook như thời gian trước đây mà chỉ chia sẻ trên facebook “Nguyễn Uyên Thùy” những bài viết, hình ảnh, video clip chung chung, đấu tố chuyện tiền bạc và tình cảm giữa những thành viên trong tổ chức phản động của mình. Rõ ràng Luật An ninh mạng đã từng bước chứng minh ý nghĩa và hiệu lực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Không gian mạng tại Việt Nam giờ đây đã có luật pháp quản lý, mọi hoạt động xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc đều phải được xử lý nghiêm minh.

LÊ PHƯƠNG THẢO