CHỐNG GIẶC NỘI XÂM LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MỌI NGƯỜI

 

                     

 

 Trong những năm qua, tình trạng tham nhũng ở nước ta diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta nhận định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ". Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng chỉ rõ: Tham nhũng là một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Với tinh thần quyết liệt “Chống giặc nội xâm”, thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm với hơn 3.600 tổ chức Đảng và gần 10.400 đảng viên. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức Đảng.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng đã phát hiện 50 vụ có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị thu hồi 43.321 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.093 tập thể và cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 114 vụ việc, 192 đối tượng. Qua kiểm toán đã kiến nghị thu về ngân sách nhà nước 15.222 tỷ đồng; chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đầu năm mới 2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời báo chí, chia sẻ về những kết quả đất nước đạt được trong năm qua và nêu rõ những công việc cần tập trung làm tốt thời gian tới:

 Phòng, chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết; Quốc hội không kỳ họp nào không bàn; cử tri không cuộc tiếp xúc nào không nói đến. Và không phải đến bây giờ, công tác phòng, chống tham nhũng mới được tiến hành, mà đã thực hiện từ lâu.

Nhìn lại năm vừa qua, có thể thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được, vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực khiến nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn.

Nhiều vụ tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu có vi phạm.

Ngay trong những tháng đầu năm 2018 này, việc đưa ra xét xử một loạt vụ án lớn, như vụ Phạm Công Danh và đồng phạm (giai đoạn II); vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), vụ tham ô tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank; hay vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ… cho thấy sự quyết liệt hành động, làm đến cùng, làm triệt để, không có "vùng cấm" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Năm vừa qua, 8 đoàn công tác của Trung ương được thành lập, đi đến 20 tỉnh, thành phố để kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc. Việc này đã thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

"Lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.

Trên cơ sở đúc rút từ thực tiễn, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; về quy trình 5 bước đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; về luân chuyển cán bộ; về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản... Việc tuyển chọn, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ... cũng được quy định chặt chẽ, đồng bộ, có nhiều đổi mới, cải tiến nhằm hạn chế các sơ hở, tiêu cực.

Báo chí cũng đặt câu hỏi với TBT: nếu quá tập trung vào phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sẽ làm "chùn", làm "chậm" sự phát triển của đất nước không? Tổng Bí thư đã nêu rõ:

Thực tế đã cho câu trả lời. Những kết quả đạt được về kinh tế, văn hoá, xã hội, về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, cùng với những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đã làm nên những thành tựu quan trọng, đáng tự hào trong năm qua. Không khí phấn khởi, tin tưởng đang lan rộng khắp cả nước.

Lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục, trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt và vượt yêu cầu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gần 30 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, gần 127.000 doanh nghiệp thành lập mới...

Năm vừa qua cũng đã ghi nhận những thành công nổi bật trong công tác đối ngoại, với việc đăng cai tổ chức rất thành công Năm APEC - 2017, tiến hành 18 chuyến thăm cấp cao đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ, thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam... Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đảng đã xác định: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Hai nhiệm vụ này luôn song hành, bổ trợ cho nhau. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn để chúng ta hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, chứ không phải ngược lại.

Cùng với phát triển kinh tế, chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân; đẩy mạnh việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chúng ta cũng cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"...

Về vai trò của Chính phủ, mới đây những tuyên bố cùng hành động quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện và khẳng định rất rõ quyết tâm chuyển từ một nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo và phục vụ; từ nói chưa đi đôi với làm sang một Chính phủ hành động. Đặc biệt, với cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện là một vị lãnh đạo gần dân, nhưng kiên quyết và không thoả hiệp với các nhóm lợi ích, “có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân” như ông đã cam kết.

Những mảnh đất vàng, những tài sản có giá trị thuộc sở hữu Nhà nước không còn dễ dàng rơi vào tay các đại gia như các thời kỳ trước. Tình trạng tham nhũng chính sách, chạy chọt dự án, tác động này nọ đến các lĩnh vực có nhiều lợi nhuận bị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thừng chặn đứng. Mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lấy doanh nghiệp làm nòng cốt phát triển kinh tế nên ông luôn tạo môi trường thông thoáng, cắt bỏ hàng loạt giấy phép cho cho các doanh nghiệp, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc mở đường cho doanh nghiệp đục khoét tài sản công.

Một trong những thông điệp quan trọng luôn được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh bất cứ đâu, bất cứ lúc nào đó là yêu cầu “bộ máy hành chính nhà nước phải luôn toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp chung của đất nước, phục vụ nhân dân; kiên quyết không để lợi ích nhóm chi phối”. Cùng với những tuyên bố thể hiện quyết tâm, Thủ tướng cũng đã hành động một cách quyết liệt. Đó là những chỉ đạo liên quan đến việc đôn đốc chính quyền xử lý bức xúc mang tính thời sự như vụ quán cà phê Xin chào ở TP.HCM; vụ việc tại xã Đồng Tâm; việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; thực hiện đóng cửa rừng; hay ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 100 về chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2021...

Cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí không phải nói chung chung “Có một bộ phận không nhỏ suy thoái tư tưởng, chính trị đạo đức” như trước đây, mà hiện nay đã có danh tính, con người, đơn vị, địa bàn, cơ quan cụ thể nên được nhân dân tin tưởng. Mới đây liên quan đến vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm),  Bộ Công an vừa phát thông tin khởi tố và bắt tạm giam ông Phan Hữu Tuấn, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công an và ông  Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, sinh năm 1963, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, về hành vi "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước".  Khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006-2011) và ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2011-2014) về các hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định điều 219 bộ luật Hình sự năm 2015 và “Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai” quy định tại điều 229 bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng tiến hành biện pháp tố tụng với các cựu quan chức và quan chức khác của TP Đà Nẵng.

Như vậy, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, dù ở cương vị, cấp bậc to hay nhỏ nếu phát hiện có dính líu đến bất liêm, tham nhũng, lãng phí, thì đều đưa ra ánh sáng pháp luật. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật, công - tội phân minh, sai đến đâu xử đến đó. Nhân dân ta tin vào Đảng, tin vào Chính phủ, vì mọi việc rõ ràng, công khai, minh bạch; không bao che, không giấu giếm nếu họ có tội, dù họ là ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Chống giặc nội xâm là trách nhiệm của mọi người, trong tinh thần đó, để khơi dậy và phát huy tính tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người dân trong việc tố giác hành vi tham nhũng. Phải nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, để nhân dân tham gia kiểm soát toàn bộ các hoạt động của cơ quan nhà nước nói chung, đội ngũ, cán bộ nói riêng. Để các cơ quan báo chí phát huy hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng phải hỗ trợ cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện được chức năng của mình theo đúng Luật Phòng, chống tham nhũng./-

                                                             THUẬN HÓA