CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN LÀM GÌ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH QUAN LẠI LIÊM KHIẾT?!

CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN LÀM GÌ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH QUAN LẠI LIÊM KHIẾT?!

Tham nhũng luôn là nội nạn của bất kỳ một thể chế chính trị nào, nó là giặc nội xâm làm suy yếu tiềm lực của quốc gia, dân tộc. Và ở mỗi thể chế chính trị, đều có những cách thức, biện pháp quyết liệt để phòng ngừa, ngăn đe, trừng trị nạn sâu dân, mọt nước này.

“Thanh liêm” hay gọi tắt là “Liêm” là một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức được quan tâm khá nhiều trong quan niệm xã hội của Việt Nam. Các quan điểm này được hình thành bắt đầu từ các nhà tư tưởng tiến bộ thời phong kiến và được coi như một tiêu chí cần thiết của những người làm quan “dĩ công vi thượng”. Song song với việc trừng phạt những quan lại tham nhũng, một số triều đại còn có những biện pháp khuyến khích những người “thanh liêm”.

Trong giai đoạn hưng thịnh của các triều đại Lý, Trần, Lê, một số vị vua anh minh cũng đề cao đức liêm, tiếp tục duy trì và mở rộng việc cấp “bổng dưỡng liêm” cho đội ngũ quan lại trong bộ máy công quyền, hạn chế nạn “phù thu, lạm bổ”, tham nhũng, hối lộ quan chức, nhũng nhiễu dân lành.

Từ đời Nhà Lý, Vua Lý Thánh Tông đã đặt ra “bổng dưỡng liêm” để cấp cho các quan chức trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ… nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết, trong sạch của quan lại trong bộ máy tư pháp, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. Vua Lý Thánh Tông, với chính sách ưu dụng đại thần, cho là: "Ân riêng mưa móc đượm nhuần / Đã tiền lại lúa ân cần dưỡng liêm".

Tính thực dụng của biện pháp này được Lê Văn Siêu trong Việt Nam văn minh sử nhận xét là một biện pháp rất nhân văn “để tránh tham nhũng đã đủ thấy là một biện pháp vì dân”. Nếu để ý, ta còn thấy rằng, có đôi lúc, chính vua Lý còn trực tiếp ngự ra điện Diên Khánh để xử kiện.

Năm 1473, vua Lê Thánh Tông định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn, và đãi ngộ người hiền tài hợp lý: "Đặt quan để làm việc, tất phải có lương bổng để nuôi, rồi sau mới bắt phải thanh liêm được. Bởi vì người làm quan có đầy đủ thì mới bắt đầu làm điều thiện. Mặt khác, triều đình có gia ơn cho người làm quan thì họ mới gia ơn cho dân. Do đó, để cho người làm quan giữ được đức thanh liêm thì lương bổng phải hậu và phải bảo đảm nuôi sống được họ" và "Những nơi ít việc và nơi rất ít việc, những chức thong thả và những chức rất thong thả, tiền bổng có khác nhau".

Ngoài lương bổng, để tăng nguồn thu cho quan lại, Vua Lê Thánh Tông còn ban cấp cho quan lại nhiều loại lộc như: Lộc điền, huệ lộc, dân lộc... và việc ban cấp này rất hậu. Việc phân cấp bổng lộc đã “cân nhắc được người khó nhọc, người tài năng mà quyết định được bổng lộc cho đích đáng. Phép tắc, thể lệ thật là đầy đủ”. Có thể nói chính việc có các chính sách, cơ chễ đãi ngộ theo cách gọi ngày nay, dành cho quan lại như vậy, Vua Lê Thánh Tông đã tạo ra sự khuyến khích người làm quan “yên tâm công tác”, công tâm hết lòng vì công việc, từ đó mà phần nào giảm bớt tệ tham ô, tham nhũng trong giới quan trường.

Từ thời Nguyễn đã có tiền dưỡng liêm cho các quan. Tiền dưỡng liêm là khoản tiền do nhà nước phong kiến thời Nguyễn cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại. Tùy theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi triều đại có mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau.

Lệ cấp tiền dưỡng liêm chỉ được đặt ra trong những năm cuối triều Gia Long và lúc đầu chỉ để dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện. Vua Gia Long cho rằng “Phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm để tỏ đặc cách”. Còn vua Minh Mạng thì nói rằng “tiền dưỡng liêm là để khuyến khích tiết tháo trong sạch”.

Sau này, các chức như thự Tri phủ, thự Tri huyện, Tri châu, Đồng tri phủ cũng được cấp loại tiền này. Đặc biệt, vào đầu triều vua Tự Đức còn cấp tiền cho các phái viên thu thuế quan và từ khi có lệ cấp tiền bổng lộc cho quan lại tại kinh thành thì một số chức quan cấp tỉnh cũng được hưởng như Quản đạo, Án sát, Bố chánh, Tuần vũ, Tổng đốc.

Mặc dù cùng là đối tượng được hưởng chế độ tiền dưỡng liêm nhưng tất cả đều là quan lại cấp địa phương. Quan chức thuộc bộ máy trung ương ở kinh thành đều không nằm trong chế độ ưu đãi này.

Năm 1815 khoản dưỡng liêm của Tri phủ gồm 25 quan tiền, 25 phương gạo. Tri huyện thì 20 quan tiền, 20 phương gạo. Việc cấp tiền dưỡng liêm cho phủ, huyện cũng chia thành 4 kỳ trong năm để cấp phát cùng chế độ lương bổng.

Giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới triều Gia Long rất lớn, tương đương với số lương bổng họ được nhận thực hàng tháng. Điều này có ý nghĩa rất lớn về vật chất vì quan lại có thể dựa vào tiền dưỡng liêm để đủ tiền sinh sống và bảo vệ tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc ngăn ngừa tệ nạn trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.

Kế thừa tinh hoa truyền thống dân tộc, kinh nghiệm, nghệ thuật dựng nước và giữ nước của cha ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao phẩm chất liêm khiết của người cán bộ, đảng viên, coi đó là một tiêu chí cơ bản trong hệ thống phẩm chất đạo đức, tư cách của người cách mạng. Trong tác phẩm lớn “Sửa đổi lối làm việc” viết tháng 10-1947 tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa”.

Năm 2012, cố Bí thư thành ủy Đà nẵng Nguyễn Bá Thanh tuyên bố, cấp thêm cho CSGT tại bốn trạm cửa ô 5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Thanh, những CSGT này có thể thu nhập tới 10 triệu đồng/tháng. Ngược lại ông Thanh yêu cầu “nếu chỉ cần phát hiện nhận chung chi một vài trăm nghìn lập tức bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành, cho về vườn”. Đây chỉ là một trong những chính sách dùng vật chất làm đòn bẩy của Đà Nẵng trong thời điểm bấy giờ.

Trên thực tế, một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng xảy ra ở ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay là do đời sống của cán bộ, công chức, viên chức không đảm bảo. Mức lương và các khoản phụ cấp hàng tháng mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cuộc sống cơ bản. Trong một nghiên cứu ở Hong Kong, Ấn Độ và Indonesia, giáo sư Leslie Palmier (Đại học Bath, Anh quốc) xác định một trong ba yếu tố chính tạo nên tham nhũng chính là chế độ lương bổng. Khi lương của nhân viên quá thấp, họ dễ dàng dùng vị trí của mình để nhận hối lộ.

Thiết nghĩ, ngày nay Nhà nước cần có thêm khoản tiền dưỡng liêm cho các công chức, quan chức ở những vị trí khác nữa, những vị trí công tác rất gian khổ nhưng lương bổng thấp, rất dễ nảy sinh tiêu cực. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế như hiện tại của nước ta thì đó cũng thực sự là một vấn đề khó khăn và phải giải quyết từng bước. Vì vậy, chế độ chính trị và luật pháp Nhà nước là không đủ mà cần có cả sự tự nhận thức và tự giác ở mỗi người làm “quan”./.