CÂU CHUYỆN VỀ PHÁP LUÂN CÔNG

 

 

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng đất thơ mộng, cách trung tâm thành phố Huế 2km về hướng Tây. Bao bọc bởi dòng sông Hương mát xanh hiền hoà, cộng hưởng với tiếng chuông chùa trầm lắng “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương...”, tôi cũng như bao người dân nơi đây luôn tìm được những giây phút bình yên sau bộn bề lo toan của cuộc sống. Là nhà giáo, lúc rảnh rỗi, tôi thích tìm hiểu, nghiên cứu về văn hoá, tôn giáo... xem đó là niềm vui để bồi đắp kiến thức cho bản thân. Hơn thế nữa, khi tìm về những điều hay, điều tốt của các nền văn hoá, các tôn giáo giúp tôi tìm được sự nhẹ nhàng, thanh thoát trong tâm hồn.  

Thời gian gần đây, cái xóm nhỏ bé của tôi bỗng rộ lên, nghe đâu là Pháp Luân Công gì gì đó. Không hiểu từ đâu, có đối tượng đã tới rủ rê một vài người trong xóm tham gia Pháp Luân Công. Họ thuyết phục, phát tài liệu, kể cả sách in, kể cả trên các trang web, fanpage… Như lời họ nói thì người tham gia chủ yếu được hướng dẫn “luyện công” để trị bệnh, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao trí tuệ. Trong lúc tôi còn bán tin bán nghi, thì một chị đồng nghiệp buồn bã tâm sự với tôi cuộc sống gia đình chị mấy tháng nay bị xáo trộn, khốn đốn bởi ông chồng theo Pháp Luân Công!!! Vốn là người hiền lành, chỉ biết làm ăn, chăm lo cho vợ con, ấy vậy mà mấy tháng nay anh ta suốt ngày vùi đầu vào thiền, rồi tập dưỡng sinh Pháp Luân Công. Đầu óc lúc nào như trên mây trên mưa, thậm chí anh ta có những hành động rất khác thường, như: con sốt cao không cho uống thuốc, bỏ bê công việc đi sinh hoạt Pháp Luân Công... Nghe những lời tâm sự đó, tôi thử tìm hiểu Pháp Luân Công là gì? Vì sao lại lôi kéo chồng chị đến mê muội như vậy?

Cảm nhận đầu tiên của tôi về Pháp Luân Công là như ở trong “mê hồn trận”. Người sáng lập ra Pháp Luân Công là Lý Hồng Chí (người Trung Quốc) tự xem mình là “đấng cứu vớt nhân loại”, tìm cách hạ thấp vai trò các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Kinh văn của Pháp Luân Công ghi lại những lời dạy của Lý Hồng Chí, chủ yếu nói về thuyết sáng lập và cứu vớt vũ trụ, con người... và hướng dẫn cách dưỡng sinh, luyện công... Tất cả đều nhuốm màu sắc huyền bí nhằm mục đích đề cao vai trò của “giáo chủ” Lý Hồng Chí. Để chiêu mộ “học viên”, Pháp Luân Công đã mượn danh của đạo Phật; ăn cắp các khái niệm, thuật ngữ của đạo Phật... Nghe những lời như vậy nên một số người nhẹ dạ, cả tin đã đi theo để tập luyện. Nhưng không biết đây chỉ là trò mê tín dị đoan, bịp bợm. Điều đáng nói hơn nữa, theo cái gọi là giáo lý của tổ chức này thì tín đồ phải tham gia quảng cáo về Pháp Luân Công, lôi kéo càng nhiều người tham gia càng tốt. Chưa hết, bề ngoài Pháp Luân Công đưa ra khái niệm “Chân - Thiện - Nhẫn” để hoạt động, tự cho mình là phi chính trị, phi lợi nhuận nhưng một số người trong tổ chức này đã lợi dụng hình thức sinh hoạt tập thể trong tín đồ để xuyên tạc, âm mưu về mặt chính trị. Chẳng phải ngẫu nhiên ở Trung Quốc - quê hương của Pháp Luân Công, tổ chức này đã bị chính phủ Trung Quốc cấm hoạt động.

 Chẳng biết đã có ai thu được tác dụng gì từ luyện tập Pháp Luân Công hay chưa? Và đã ai đạt được cảnh giới “giác ngộ” về tinh thần, loại trừ bách bệnh như Pháp Luân Công đã nói hay không? Nhưng việc bị lôi kéo gia nhập Pháp Luân Công để rồi trở thành mê muội, từ người chăm chỉ làm ăn đến bỏ bê công việc, gia đình, đó là kết quả nhãn tiền. Sâu xa hơn, thông qua Pháp Luân Công để hạ thấp, miệt thị các tôn giáo, tín ngưỡng khác và thực hiện các mưu đồ về chính trị đã được nhiều đối tượng lợi dụng triệt để. Có lẽ, từ người gia nhập “tự nguyện”, sau thời gian luyện tập trở thành “nô lệ” của “giáo chủ” Lý Hồng Chí, ắt hẳn đó mới là mục đích của tổ chức này!.

Trần Dương