CẦN THAY ĐỔI CÁCH ĐƯA TIN ĐỂ TRÂN TRỌNG SỰ HY SINH VÌ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG.

Thật đáng tiếc và cũng rất đáng suy nghĩ ở việc đưa tin trên một số báo điện tử đối với sự hy sinh của Trung tá Trần Văn Dũng, làm cho người đọc có cảm nhận dường như còn thiếu sự ghi nhận, tôn vinh của người viết và đưa tin.

Trên một số trang báo điện tử ngày 25 và 26-12 có đưa tin liên quan tới việc Trung tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trong khi ngăn chặn, xử lý, bắt giữ đối tượng Đỗ Thành Trung có biểu hiện “ngáo đá”, sử dụng hung khí đe dọa tấn công người đi đường đã bị đối tượng Trung dùng dao tấn công dẫn đến việc Trung tá Trần Văn Dũng tử vong sau đó.

Còn đối tượng Đỗ Thành Trung cũng đã sử dụng dao tự đâm vào người, sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận đã chết tại đây.

Việc làm của Trung tá Trần Văn Dũng là hành động dũng cảm của một sỹ quan Công an đã kiên quyết ngăn chặn, truy bắt đối tượng với hung khí trong tay, có biểu hiện hung hãn, muốn tấn công người đi đường và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực khác.

Sự anh dũng hy sinh của Trung tá Trần Văn Dũng cần được ghi nhận, tôn vinh và chiểu theo quy định của pháp luật về người có công để đề nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng làm thủ tục truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho Trung tá Trần Văn Dũng. Máu đào của một sĩ quan Công an lại tiếp tục đổ xuống vì bình yên cuộc sống, vì sự an toàn cho những người tham gia giao thông trên đường.

Thật đáng tiếc và cũng rất đáng suy nghĩ ở việc đưa tin trên một số báo điện tử đối với sự hy sinh của Trung tá Trần Văn Dũng, làm cho người đọc có cảm nhận dường như còn thiếu sự ghi nhận, tôn vinh của người viết và đưa tin.

Trước hết, về tiêu đề, chúng tôi xin trích ra đây như: “Trung tá Công an bị kẻ nghi ngáo đá đâm thiệt mạng”; “Trung tá Công an bị kẻ ngáo đá đâm chết”; “Lao vào khống chế kẻ nghi ngáo đá, Trung tá Công an bị đâm tử vong”, “Trưởng Công an xã bị đâm chết”…

Chúng tôi không muốn trích dẫn thêm nhưng liệu những tiêu đề đó đã phù hợp với ngữ cảnh này chưa? Tại sao lại không thể là: “Một Trung tá Công an đã anh dũng hy sinh trong khi xử lý, truy bắt đối tượng ngáo đá sử dụng hung khí đe dọa tấn công người khác và chặn xe trên quốc lộ” hoặc có thể sử dụng những tiêu đề khác nhưng phải khẳng định được đây là sự hy sinh chứ không phải là một cái chết bình thường.

Về nội dung, hầu hết bài viết đều không có sự định hướng, chủ yếu đi sâu mô tả, kể lại sự việc theo dạng có một Trung tá Công an ngăn chặn, truy bắt một đối tượng “ngáo đá” sử dụng hung khí đe dọa tấn công người khác và chặn xe trên quốc lộ và bị đối tượng đâm chết, sau đó đối tượng cũng tự sát rồi cũng chết.

Cách đưa tin như vậy thật cũng không phù hợp với ngữ cảnh này. Tại sao không có những cách diễn đạt khác để thể hiện sự tri ân, tôn vinh đối với sự hy sinh của Trung tá Trần Văn Dũng; phê phán, lên án đối tượng đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nêu trên và tác dụng tích cực của nó như thế nào đối với dư luận xã hội thì chúng ta đều có thể hình dung được rất đầy đủ.

Thiết nghĩ, mỗi phóng viên, cơ quan báo chí trong những sự việc tương tự cần có cách đưa tin, viết bài cho thật phù hợp. Đó cũng là đạo lý, là nghĩa cử đối với những người đã dũng cảm hy sinh tính mạng của mình vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân như Trung tá Trần Văn Dũng.

- Đối với Trung tá Trần Văn Dũng và thân nhân gia đình anh, đồng chí, đồng đội và nhân dân sẽ luôn nhớ, cảm phục về lòng dũng cảm, sự hy sinh của anh. Mong Trung tá Trần Văn Dũng yên nghỉ và xin chia sẻ với gia đình anh về sự mất mát đau thương này.

TS Vũ Thị Hương Lý - Học viện Chính trị CAND.