CẦN CẢNH GIÁC CÁC TÀ ĐẠO ĐANG GÂY TÁC HẠI CHO XÃ HỘI

 

 

Nước ta là một nước đa tôn giáo, với trên 13 tôn giáo và 37 tổ chức được cấp phép đăng ký hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có hàng chục triệu tín đồ các tôn giáo và có niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cho người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Không chỉ có vậy, Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ của pháp luật. Lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền một số hình thức “đạo lạ” và cả “tà đạo” như: Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải Vô thượng sư, tà đạo Hà Mòn, Dương Văn Mình, Pháp luân công, đạo Vàng chứ… Những ảnh hưởng của các “đạo lạ”, “tà đạo” đối với đời sống xã hội là khá tiêu cực, phần lớn “đạo lạ” ở nước ta có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế; mặt khác gây bất ổn về An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số mà lan truyền đến cả nông thôn và đô thị.

 Chẳng hạn, để lôi kéo người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, nhằm trục lợi và thanh thế cá nhân, Dương Văn Mình (quê Tuyên Quang), tự xưng là “chúa giáng thế”, tuyên bố rằng: “theo y cầu nguyện, không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi”.  Những năm gần đây, cái gọi là “đạo Vàng Chứ” phát triển rất nhanh trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Điện Biên. Đi kèm với truyền “đạo Vàng Chứ” là “vấn nạn” di cư tự do của đồng bào Mông. Điều đáng lo ngại, cùng với hoạt động đạo và di cư tự do là tình trạng bỏ sản xuất, phá rừng, đốt nương, cô lập những người không theo đạo... Còn Pháp Luân Công ở Việt Nam mặc dù luôn tuyên truyền là thu hút đệ tử tập luyện nâng cao trí tuệ, sức khỏe nhưng thực chất lại có nhiều hoạt động gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác và nhìn nhận rõ chân tướng, âm mưu của những đối tượng đang muốn tuyên truyền, phát triển Pháp Luân Công ở Việt Nam. Mới đây các phương tiện thông tin đại chúng cũng vừa phản ảnh một “tà đạo” đang vươn vòi bạch tuột nhiều nơi rất đáng quan ngại. Từ cuối năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng ở Hải Phòng liên tục nhận được đơn thư, nguồn tin phản ánh và cầu cứu của người dân về hoạt động phi pháp của một số kẻ cầm đầu tổ chức gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời” hay còn gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Những kẻ cầm đầu đang lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, nhất là nữ sinh viên và phụ nữ trẻ có chồng, khiến bao gia đình rơi vào cảnh vợ chồng, cha con, mẹ con ly tán, học hành dang dở, tinh thần, thể xác suy sụp, tiền mất tật mang, cuộc sống bị đảo lộn, gây bức xúc trong nhân dân. Những ai đã lỡ bị bỏ “bùa mê thuốc lú” của những kẻ cầm đầu đều đang trong tình trạng mê muội, mất lý trí, về nhà đập bỏ bát hương, bàn thờ, không ăn đồ thờ cúng, bỏ cha mẹ, bỏ học hành; người thì bỏ chồng con, chắt chiu, gom góp được chút tiền lại mang đi “phụng sự” tổ chức này. Một số nạn nhân khác chia sẻ về những chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo của nhóm người thuộc thứ tà đạo khiến con người ta u mê, mất hết lý trí, khiến bao gia đình ly tán, kinh sợ. Nhiều người tỉnh táo thoát khỏi ''tấm màn ma mị'' do “Hội Thánh Đức Chúa Trời” giăng sẵn, tuy nhiên cũng không ít người lao vào như con thiêu thân, đánh mất chính mình và kéo theo đau khổ cho cả gia đình.

Có thể nói, các “tà đạo” nói trên hoàn toàn trái với đạo lý truyền thống văn hóa dân tộc, đã bị các thế lực xấu lợi dụng gây xáo trộn cuộc sống của người dân, gây mất An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương.

Để có một cái nhìn khái quát, nhận diện về hoạt động “đạo lạ”, “tà đạo”, có thể căn cứ vào những đặc điểm sau:

-Về người đứng đầu: Luôn tự đề cao, đánh bóng… bản thân mình, nhiều người trước khi tạo dựng “tà đạo” còn mắc bệnh tâm thần, là con nghiện ma túy hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước.

-Về lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật”: Được chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, nên đã có những điều răn hướng thiện, an ủi người dân về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống để thu phục nhân tâm. Tuy nhiên, hầu hết “tà đạo” có nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học, trái với quy luật tự nhiên, lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế người dân.

- Về mục đích hoạt động: Hầu hết các “tà đạo” đều có mục đích là phục vụ người cầm đầu (“giáo chủ”) và các đối tượng cốt cán, tay chân của chúng…(thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “bùa”, “kinh sách”, “thuốc chữa bệnh”…)

- Về hành đạo, thực hiện các nghi lễ: Mang yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp người dân tin theo, phản khoa học, trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc… Đặc biệt là thần thánh hóa Lãnh tụ, các bậc Thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc…

- Về phương thức hoạt động: Thường xuyên thay đổi địa điểm tránh sự phát hiện, xử lý của chính quyền; lợi dụng sơ hở của pháp luật trong việc quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển “tà đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa; lợi dụng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để lừa bịp, lôi kéo, khống chế…

- Về đối tượng tin theo: Phần lớn là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoặc người có trình độ, nhận thức về chuyên môn khoa học - kỹ thuật, cán bộ các cơ quan chính quyền, và nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngành, giáo sư, tiến sỹ, giáo viên nghỉ hưu tiếp tay cho “tà đạo” hoạt động.

- Các “tà đạo”, sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu, khác với tôn giáo truyền thống: đối tượng sùng bái là những bậc Thánh hiền, thần thánh hóa Lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo truyền thống phát huy được tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người; “tà đạo” thường có tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền của người dân.

Thời gian qua, hoạt động của các “tà đạo” cũng đã len lỏi đến vài địa bàn dân cư ở Thừa Thiên Huế như Thanh Hải Vô thượng sư, Pháp luân công, Pháp môn diệu âm..., xâm hại đến sức khỏe; lừa gạt người dân để trục lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữa các tôn giáo, trong các gia đình ... Đáng lưu ý, họ thuyết giảng “kinh sách” có nội dung phê phán, kích động, phản ứng những bức xúc của xã hội. Chúng ta cần cảnh giác với các “tà đạo” đừng để chúng xâm nhập vào tỉnh ta, phá hoại sự bình yên của người dân và cộng đồng xã hội!

                                                                              Thuận Hóa