Bạn có hiểu về bệnh dịch tả lợn châu Phi ?

Đến thời điểm hiện tại, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lan ra nhiều tỉnh, thành trong đó có cả tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có hàng loạt con lợn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Trước những diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng và người dân cùng vào cuộc để dập dịch và bảo vệ lợi ích của người chăn nuôi.

Chăn nuôi lợn có vị trí đặc biệt quan trọng với kinh tế đất nước ta, đặc biệt là về đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân. Hiện, cả nước có tới hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn gần 14 triệu con mỗi năm. Thịt lợn chiếm tới 72% cơ cấu sản phẩm thịt các loại trong bữa ăn của người Việt Nam. Bởi vậy, Chính phủ, các ban ngành và người chăn nuôi đang rất nỗ lực dập dịch. Thế nhưng, bên cạnh đó, nhiều người đã đưa những thông tin sai lệnh về loại dịch này, khiến người chăn nuôi vốn khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn.

Dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại nặng về kinh tế. Những đàn lợn bị dịch người chăn nuôi buộc phải tiêu hủy, còn với những gia đình không bị dịch tả lợn Châu Phi thì cũng lao đao không kém, đơn giản vì giá lợn xuống thấp, thậm chí lợn bị cấm chuồng và không thể bán ra. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ các gia đình có lợn bị mắc dịch tả Châu Phi với mức giá 38.000 đồng/1kg, phần nào có thể đỡ được cho người chăn nuôi...Thế nhưng, với mức giá bán ra trước khi có dịch là 47.000-48.000/1kg thì nay khi có dịch tràn về, người chăn nuôi thiệt hại rất nhiều.

Mặc dù quan điểm của Chính phủ cũng như ngành nông nghiệp, bằng mọi biện pháp dập dịch, không để dịnh bệnh lây lan. Song, bên cạnh đó, đã có nhiều thông tin sai lệnh về dịch tả Châu Phi khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang, thậm chí nhiều người đã “quay lưng” và nói không với thịt lợn, thậm chí, nhiều trường học đưa ra công văn dừng sử dụng thịt lợn khiến thị trường tiêu thụ thịt lợn giảm mạnh. Dẫu biết rằng việc sử dụng thịt lợn là quyền của mỗi người. Tuy nhiên những thông tin sai lệnh trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp nói chung và những người chăn nuôi nói riêng.

Theo Tổ chức Y Thú y thế giới, virus dịch tả lợn Châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Khác hoàn toàn với bệnh tả ở người (là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Vibrio Cholerae gây ra), bệnh tả ở lợn không có khả năng lây nhiễm sang người kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín.

Thanh Vũ