"Bỏ Đảng" để tránh bị Đảng bỏ !

Mới đây, một số trang mạng nước ngoài và một số trang facebook cá nhân đã đưa cái gọi là tuyên bố “bỏ Đảng” của hai ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang vào ngày 26-10-2018. Một số kẻ “theo đóm ăn tàn” đã đồng thời hoan nghênh hành động trở cờ này của hai nhân vật được hưởng rất nhiều ân huệ của chế độ, mặt khác đã lu loa rằng Đảng và Nhà nước ta “ruồng bỏ trí thức”! Nhưng những người có hiểu biết đều thấy nực cười với tuyên bố của hai ông cũng như các bình luận hết sức thiên kiến đó.

Nói về hành động của ông Nguyên Ngọc, có thể khẳng định đây là diễn biến tất yếu của một đảng viên, một cá nhân đã có quá trình “tự diễn biến” rất lâu và đã đến mức “tự chuyển hóa”. Viết trên một fanpage, ông Nguyên Ngọc thừa nhận: “Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này (việc “bỏ Đảng”) từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS.TS. Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay. Tức nhân dịp này tuyên bố một quyết định đã chuẩn bị từ trước, đồng thời để tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng”. Như vậy, hóa ra ông Nguyên Ngọc đã có ý định ra khỏi Đảng từ lâu, dù như ông thừa nhận là mình đã 62 năm tuổi đảng. Việc ông Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật (đến thời điểm ông Nguyên Ngọc có tuyên bố này thì ông Chu Hảo vẫn chưa bị kỷ luật) chẳng qua là một cái cớ để sự phản bội của Nguyên Ngọc trở nên hợp tình hợp lý mà thôi!

Ông Nguyên Ngọc - cựu nhà văn

Không chỉ mượn cớ đó, Nguyên Ngọc còn hàm hồ nói rằng: “Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy”. Đó là sự thay trắng đổi đen, khi thời gian qua chính ông đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với hàng loạt hoạt động sai trái, không thể hiện được phẩm chất, tư cách, sự gương mẫu của một người đảng viên cộng sản. Những người quan tâm đến tình hình thời sự hẳn đều biết: ông đã tham gia thành lập “Viện Nghiên cứu phát triển” (IDS), thường xuyên có những ý kiến mang tính phản biện nhưng thực ra là phản đối một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thành lập Văn đoàn Độc lập với ý muốn tách ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và có mưu đồ chính trị rõ nét; tổ chức giải thưởng Văn Việt để thực hiện cái gọi là “tôn vinh sự dấn thân” của một số cây bút có quan điểm chống đối chủ trương, đường lối của Đảng… Ngoài ra, ông ta cũng hăng hái gửi nhiều “thư ngỏ”, “thư kiến nghị” đến Đảng và Nhà nước về vấn đề của đất nước, thực chất là kêu gọi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận các thành tựu cách mạng do Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được trong suốt gần 90 năm qua.

Là một người viết văn từng có một vị trí xứng đáng trên văn đàn, ông Nguyên Ngọc trưởng thành và nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, được Đảng giáo dục và rèn luyện, được hưởng nhiều đãi ngộ lớn lao của Đảng và Nhà nước. Chỉ riêng việc một số tác phẩm của ông như Đất nước đứng lênRừng xà nu… được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông suốt rất nhiều năm đã là một vinh dự lớn lao mà không phải người cầm bút nào cũng có được.

Tương tự như người “đồng hội đồng thuyền” với Nguyên Ngọc, ông Mạc Văn Trang, đã được phong phó giáo sư, được công nhận là tiến sĩ, hơn 30 năm làm việc ở Viện Khoa học - Giáo dục, một đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, và là đảng viên đã có 54 năm tuổi đảng. Thời gian qua, ông ta đã có những quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng nên thường được một số báo, đài nước ngoài phỏng vấn. Chẳng hạn, vào tháng 9-2017, trả lời phỏng vấn BBC, ông ta cho rằng, rất nhiều người không tin tưởng vào đề án cải cách giáo dục và chương trình sách giáo khoa mới ở Việt Nam vì cách làm vẫn như cũ, hướng đi vẫn như cũ và tư duy và thể chế không có gì thay đổi… Hay trả lời Đài Á châu tự do (RFA) ngay sau khi tuyên bố “bỏ Đảng”, ông ta chốt hạ một câu rất xanh rờn: “Thực ra từ năm 2000, tôi đã thấy lý tưởng lúc vào Đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập - tự do, người dân hạnh phúc; thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó...”. 

Ông Mạc Văn Trang (Áo sáng màu)

Với những sai phạm về tư tưởng, hành động, không chấp hành sự giáo dục, quản lý của tổ chức đảng, hành vi của hai ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang chắc chắn sẽ bị xem xét kỷ luật, mà mức nặng nhất có thể là khai trừ ra khỏi Đảng. Đặc biệt là với Nguyên Ngọc, các sai trái của ông ta là có hệ thống, liên tục và gần như không thể làm ông ta “hồi tâm chuyển ý”. Có thể nhận thấy, khi Đảng đang thực hiện việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, những hành vi sai trái của các ông khó còn che đậy hoặc lấp liếm được nữa, sẽ phải đối mặt với mức kỷ luật nghiêm khắc của Đảng, các ông đã chủ động tuyên bố “bỏ Đảng” để tự cho mình “kiên quyết”, “giữ vững lập trường” và “đỡ mang tiếng”. Tức là nếu không nhanh miệng nói “bỏ Đảng” thì sớm muộn gì cũng bị “Đảng bỏ” khi các ông là thành viên của một tổ chức nhưng luôn nói và làm ngược lại với tôn chỉ, mục đích của tổ chức đó.

Kỳ thực, theo quy định của Điều lệ Đảng, khi đủ điều kiện về sự phấn đấu và lịch sử chính trị, một cá nhân phải viết đơn tự nguyện xin vào Đảng; nếu thường xuyên không tham gia sinh hoạt thì bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên; nếu có nhiều vi phạm mà không thể giáo dục, uốn nắn thì sẽ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tức là, với các ông Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang, chắc chắn tổ chức đảng nơi các ông từng sinh hoạt và cấp ủy có thẩm quyền sẽ xem xét khai trừ ra khỏi Đảng, dù các ông đã tuyên bố “bỏ Đảng”!

NGŨ YÊN/codotphcm.com