“VỀ HƯU”

Hiện nay không ít cán bộ, công nhân, viên chức, đảng viên sau khi về hưu hoặc vô tình hay hữu ý đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, chia sẻ những bài viết mang nội dung tiêu cực, những thông tin sai trái, thậm chí còn tiếp tay tán phát những luận điệu xuyên tạc cho các thế lực thù địch.

Nhiều cán bộ hưu trí lấy mạng xã hội để tìm kiếm chút ánh hào quang le lói

Điều này càng nguy hiểm hơn khi những thông tin sai trái, thù địch, những bài viết thiếu kiểm chứng nội dung,... lại là do những cán bộ, đảng viên đặc biệt là những người đã từng giữ chức vụ, người có uy tín đăng tải, chia sẻ. Nhất là những thông tin về chính trị, xã hội, những chủ đề liên quan đến nội bộ, về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng,... càng dễ dàng  để người dân tin khi những tài khoản mạng xã hội của những cán bộ, đảng viên về hưu đăng tải, chia sẻ. Liên quan đến tình hình sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cách đây không lâu, sở dĩ các cơ quan thông tấn, báo chí chính thống hạn chế đưa thông tin liên quan vì đây là bí mật nhà nước cũng như ở ta không có tiền lệ thông tin về sức khỏe của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thế nhưng không ít cán bộ hưu trí đã sốt sắng, có nhiều phát ngôn mang tính chủ quan, phiến diện về nguyên nhân, tình hình sức khỏe của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đồng thời một số còn tích cực tuyên truyền các bài viết của các báo đài chống Cộng, tự mình viết những nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật,... khiến dư luận hết sức hoang mang, lo lắng. Thậm chí, không ít, cán bộ hưu trí sử dụng mạng xã hội để làm công cụ “quyền lực” khi tham gia các nhóm, hội của các thành phần bất mãn, chống đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, lợi dụng sự phản biện xã hội, xuyên tạc lịch sử,... để tạo thanh thế, trục lợi cho bản thân. Một số cán bộ hưu trí thường xuyên sử dụng mạng xã hội để có những phản biểu trái chiều, tạo ra áp lực dư luận liên quan đến một số dự án xây dựng, nâng cấp hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch,... với lý do “lo lắng cho sự phát triển”, “vì đấu tranh với hành vi tham nhũng”,… để đòi can thiệp vào công việc của chính quyền các cấp, thậm chí là công kích, bộ nhọ nhằm hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hễ có dự án, có công trình là trên facebook lập tức có các bài viết phản đối, phân tích, kêu gọi tẩy chay, nói xấu của những người này! Không ít vụ việc đã làm cho dư luận hiểu sai về các dự án, công trình, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.

Cán bộ, đảng viên khi về hưu nên việc tiếp cận các nguồn thông tin chính thống bị hạn chế, nhiều cán bộ hưu trí không có khả năng bình tĩnh trước những thông tin sai trái, thù địch, thiếu điều kiện để kiểm chứng dẫn đến ngộ nhận là thông tin đúng đắn nên đã chia sẻ hoặc viết bài theo hướng tiêu cực, sai trái. Một số cán bộ hưu trí do có nhiều thời gian rãnh rỗi, thiếu kỹ năng sử dụng internet an toàn thường xuyên theo dõi các kênh thông tin phản động, các website, blog, trang thông tin lề trái với những nội dung “lập lờ trắng đen”, nửa đúng nửa sai, những chủ đề kích thích sự tò mò ,...  rất dễ tác động, thuyết phục người xem đã tác động đến tư tưởng, làm thay đổi nhận thức của những cán bộ hưu trí. Không ít cán bộ hưu trí tích cực chia sẻ những bài viết của các báo đài chống Cộng như BBC, VOA, RFA, những trang “báo lá cải”... ngược lại lên án, phê phán các cơ quan, thông tấn báo chí chính thống trong nước, tham gia cộng tác viết bài cho các báo đài phản động, tham gia các tổ chức bất hợp pháp.

Cán bộ hưu trí tích cực tham gia công tác xã hội, được cộng đồng tin yêu

Bên cạnh đó, không ít cán bộ hưu trí vẫn còn tâm lý “chưa muốn về hưu” hay tiếc nuối quyền lực, địa vị nên đã sử dụng mạng xã hội để khẳng định bản thân với xã hội. Mục đích của số cán bộ, đảng viên này là muốn lãnh đạo chính quyền và người dân phải coi trọng họ, xem họ là những chuyên gia, nhà khoa học,... cần hỏi ý kiến, họ cần sự ngưỡng mộ, thần tượng của xã hội, những ý kiến chủ quan, phiến diện đôi khi là phản khoa họ của họ phải được xem như là chân lý. Họ tự xem mình có quyền phản biện lại các chủ trương, chính sách của Nhà nước hoặc phán quyết trước những vấn đề của xã hội. Trên thực tế, trong số những người này, lúc còn đương chức, đương quyền bản thân họ là một tấm gương xấu về tư tưởng, đạo đức, tác phong lối sống và hiệu quả công việc, nhiều người suốt thời gian công tác chưa từng có một ý kiến phản biện, một công trình nghiên cứu, chỉ là cán bộ, công chức bình thường đúng theo nghĩa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thế nhưng khi về hưu họ nổi lên như một tấm gương về tài, đức mà xã hội buộc phải trọng vọng. Sự “tham quyền cố vị” để vớt vát “tí quyền lực le lói”, tâm lý thích nói chuyện thời sự, thích phân tích chuyện chính trị, lý sự “chính trị vỉa hè” của người Việt Nam với sự giúp sức của mạng xã hội đã biến nhiều cán bộ hưu trí tự tung tự tác.

Đã đến lúc các cấp ủy Đảng, các cơ quan chức năng Nhà nước từ trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác quản lý về tư tưởng, đạo đức của cán bộ, đảng viên hưu trí, không để buông lỏng dẫn đến có những hành vi đi ngược với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tay cho các thế lực thù địch.

MINH ANH