Xung quanh việc ghép sành sứ bậc cấp đường đi bộ sông Hương, ông Dương Tuấn Dũng: “Đây chỉ là hạng mục nhỏ trong dự án”

“Với ý tưởng tạo không gian thân thiện có lối kiến trúc giống với Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong, đồng thời tạo điểm nhấn cho sân khấu tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật nên đơn vị tư vấn Hàn Quốc đã thiết kế hạng mục ghép các mảnh sành sứ ở mặt đứng của bậc tam cấp khu vực đường đi bộ lát gỗ lim”, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án (DA) KOICA, ông Nguyễn Việt Bằng thông tin.

Hiện nay, nhóm những thợ khảm Huế đang cần mẫn ghép từng mảnh sành sứ ở mặt đứng các bậc tam cấp dẫn xuống đường đi bộ lát gỗ lim - công trình nằm trong dự án thí điểm xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương (gọi tắt là DA thí điểm) do Tổ chức KOICA tài trợ.

Các bậc tam cấp được ghép những mảnh sành sứ nhằm tạo điểm nhấn cho đường đi bộ

Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân trú tại phường Phú Hội cho rằng, đường đi bộ lát gỗ lim có màu vàng gỗ rất đẹp mắt, không gian hai bên bờ sông Hương chắc chắn sẽ ấn tượng, song lại lo ngại hạng mục ghép sành sứ khó phù hợp với kiến trúc xung quanh.

Qua tìm hiểu, hạng mục ốp các mảnh sành sứ ở mặt đứng bậc tam cấp nằm trong DA và do đơn vị tư vấn thiết kế Hàn Quốc phê duyệt được Công ty CP Xây dựng thủy lợi tỉnh thi công. Hạng mục này nằm ở khu vực phía sau Liễu Quán, có chiều dài khoảng 25m, chiều cao 0,7m và có hai con rồng làm bằng đồng đặt ở chính giữa.

Trưởng phòng thi công, Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế, ông Dương Tuấn Dũng cho biết, đây chỉ là hạng mục nhỏ nằm trong DA và đang được đơn vị đẩy mạnh thi công để hoàn thành trước khi đường đi bộ đưa vào hoạt động. Để tạo ra những mảng màu và tuân thủ lối kiến trúc và nghệ thuật khảm Huế, đơn vị đã tuyển những người thợ chuyên nghiệp thực hiện công việc này.

Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế, Phó Giám đốc Ban quản lý DA KOICA Nguyễn Việt Bằng, DA thí điểm do Tổ chức KOICA tài trợ đang trong giai đoạn nước rút để kịp hoàn thành trước tháng 12/2018. Vì vậy, Ban đang chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, trong đó có hạng mục ốp sành sứ ở bậc tam cấp.

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh - ông Nguyễn Thiện Đức, có thể mục tiêu ban đầu của việc “nhấn nhá” thêm kỹ thuật chất liệu ghép sành sứ vào trong công trình để làm cho công trình hoa mỹ, công phu hơn, nhưng theo ý kiến cá nhân thì hiệu quả mang lại không cao, bởi xét ở vị trí cục bộ của các bậc cấp xi măng lên xuống, những mảng này gần như chỉ để trang trí màu sắc và làm nhẹ đi tính chất nặng nề của vật liệu. Tuy nhiên, ghép sành sứ không có chủ đề hay hình hài cụ thể mà ở đây chỉ mang nhiệm vụ lấp đầy một diện tích (mà là một diện tích rất thứ yếu, không mấy quan trọng). Hơn nữa với đặc thù của bề mặt chất liệu và kỹ thuật này, làm công trình rất dễ bám bẩn bởi bùn đất (gần sông mùa lũ lụt) sẽ bị ảnh hưởng, không còn màu xanh như đang thực hiện.

Theo Thừa Thiên Huế online