Vươn khơi đầu năm

 

Thời điểm này, các đội tàu đánh bắt xa bờ đang chuẩn bị vươn khơi, bắt đầu hành trình mùa biển mới.

Ngư dân thị trấn Thuận An vươn khơi đầu năm

Nô nức ra khơi

Thị trấn Thuận An (Phú Vang) là một trong những địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh. Mặc dù trải qua năm 2017 khá biến động nhưng sản lượng khai thác ở Thuận An đạt 8.714 tấn, tăng so với kế hoạch đề ra. Ngay sau Tết Dương lịch 2018, hàng trăm tàu cá nối đuôi nhau vươn khơi.

Ngư dân Trần Văn Mậu (TDP Tân Bình, thị trấn Thuận An) hàng năm đều đầu tư, nâng cấp tàu cá để đáp ứng việc thu mua hải sản ở những ngư trường xa. Lúc này, ông cùng các bạn tàu đang gấp rút chuẩn bị nhu yếu phẩm để những ngày sắp tới vươn khơi thu mua hải sản.

“Bây giờ tàu đánh bắt công suất lớn liên tục tăng, vươn đến những ngư trường xa, do vậy tàu hậu cần nghề cá như chúng tôi cũng phải đầu tư những thiết bị hiện đại để đáp ứng được nhu cầu. Hiện, đa số tàu đánh bắt đã vượt sóng đến các ngư trường. Tàu hậu cần đang chuẩn bị nhu yếu phẩm cần thiết để sắp tới vươn khơi, thu mua trên biển”, ông Mậu nói.

Bên cạnh tàu vỏ gỗ truyền thống, tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 4 chiếc. Năm 2017, nhờ trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, những tàu vỏ thép hoạt động khá hiệu quả. Sau khi hạ thủy tàu vỏ thép số hiệu TTH 99996.TS có công suất 820 CV, ngư dân Trần Dũng trải qua 5 chuyến đánh bắt trong năm 2017, thu nhập trung bình mỗi chuyến trên 300 triệu đồng. Chuẩn bị đưa tàu “vượt sóng”, ông Dũng cùng bạn tàu đã mua nhu yếu phẩm, lương thực từ trước để bám biển dài ngày.

“Nhờ hỗ trợ của Nhà nước, tui quyết định đóng tàu vỏ thép có giá trị gần 20 tỉ đồng để bám biển. Với tàu to, tui có thể đánh bắt được những loại cá đặc sản có giá trị cao như, cá thu, cá ngừ đại dương… Hy vọng trong năm thứ hai vươn khơi sẽ có những mùa cá bội thu”, ông Dũng chia sẻ.

Đầu năm nay, việc các tàu đánh bắt xa bờ nối đuôi nhau vươn khơi khiến các cơ sở sản xuất đá rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung. Thị trấn Thuận An có hơn 20 cơ sở sản xuất nước đá lớn nhỏ nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An thông tin: “Mỗi chuyến vươn khơi, mỗi tàu cá cần cung ứng hàng trăm cây đá loại 50kg/cây. Hiện, do số lượng tàu đã tăng hơn nhiều so với trước nên đầu năm nay, đồng loạt các tàu cá vươn khơi nên nguồn nước đá không đủ để cung cấp. Các cơ sở sản xuất nước đá ở Thuận An không chỉ cung cấp cho tàu cá tại địa phương mà còn là nguồn cung của các tàu cá của 5 xã, thị trấn tại huyện Phú Vang. Riêng thị trấn Thuận An, năm 2017 số lượng tàu đánh xa bờ tăng thêm 16 chiếc. Hiện nay, hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đã vươn khơi, bắt đầu mùa biển 2018”.

Ngư dân thị trấn Thuận An chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi

Trở lực

Theo Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản trên biển trong năm 2017 đạt 30 nghìn tấn, tăng so kế hoạch. Có được điều đó, bên cạnh nỗ lực của ngư dân thì sự ra đời của Nghị định 67 đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm vươn khơi dài ngày trên vùng biển xa. Theo đó, toàn tỉnh đã có 40/45 tàu cá (trong chỉ tiêu hỗ trợ của Trung ương) được phê duyệt nguồn hỗ trợ đóng mới với tổng vốn vay ưu đãi lên trên 280 tỷ đồng. Trong đó có 4 tàu vỏ thép công suất trên 829CV và 36 tàu vỏ gỗ công suất từ 400- 800CV.

Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An nói: “Vừa qua, tàu vỏ thép thứ hai tại Thuận An của ông Trần Dành đã hạ thủy. Đây là con tàu vỏ thép có công suất lớn nhất tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn nan giải trong vấn đề neo đậu, ông Dành cũng chỉ neo đậu tạm thời. Việc các âu thuyền xuống cấp không mới nhưng khi ngư dân đầu tư tàu lớn để đánh bắt mà thiếu nơi neo đậu thì thiệt thòi cho họ”.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, Phú Thuận có 56 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ. Ngư dân hiện đang tích cực chuẩn bị nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cần thiết để vươn khơi vụ đầu tiên trong năm mới. Bên cạnh khó khăn về luồng lạch đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thì những yếu tố khách quan của thời tiết cũng ảnh hưởng khá lớn đến quá trình đánh bắt của ngư dân.

Hiện nay, dù các cảng cá trên địa bàn tỉnh là nơi đáp ứng phần nào nhu cầu thu mua, cung ứng dịch vụ hầu cần cho những tàu đánh bắt xa bờ, song luồng lạch, cửa biển bị bồi lấp khiến chuỗi cung ứng dịch vụ bị ảnh hưởng. Ngư dân Trần Vẹm (thôn Đông Hải, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) chia sẻ: “Do không có chỗ neo đậu nên chúng tôi phải neo đậu ở Đà Nẵng, lượng hải sản có giá trị cao cũng được tập trung bán tại Đà Nẵng thay vì bán tại các cảng cá ở Thừa Thiên Huế. Điều này kéo theo chuỗi cung ứng dịch vụ từ nhu yếu phẩm, nguyên liệu, nhiên liệu cũng phải lấy nguồn ngay tại Đà Nẵng khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá tại Thừa Thiên Huế chịu thiệt thòi”.

Đến nay, toàn tỉnh có 409 tàu cá đánh bắt xa bờ. Trong đó, tàu có công suất từ 400CV trở lên là 200 chiếc và 52 tàu có công suất từ 800CV trở lên, nâng tổng số tàu cá của tỉnh lên gần 2 nghìn chiếc.