Tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng chặt bỏ cao su ở Hồng Hạ

Chiều 18/10, ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ thông tin, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên tryền vận động người dân không chặt bỏ cây cao su bán gỗ do sản xuất không hiệu quả.

Tại thôn A Rom, xã Hồng Hạ, xác cây cao su còn ngổn ngang sau khi người dân đốn hạ, bán củi

Theo thống kê của UBND xã Hồng Hạ, địa phương có 224 ha cây cao su của hơn 400 hộ dân tham gia trồng từ năm 2015 đến nay, đã có 13 ha cao su bị người dân chặt bỏ lấy gỗ bán, trồng sắn, keo tràm. Trong đó, chỉ tính từ đầu năm đến tháng 10/2018, đã có 5 ha cao su bị người dân đốn bỏ.

Theo tìm hiểu của chính quyền địa phương, giá mủ cao su xuống thấp chỉ 12 nghìn đồng/kg, nhiều hộ dân trồng cao su không có nhân công để cạo mủ, trong khi áp lực trả nợ ngân hàng khiến nhiều hộ dân buộc phải đốn bỏ loài cây công nghiệp này để trồng các loại cây ngắn ngày như sắn hay cây lấy gỗ keo tràm giải quyết sinh kế trước mắt và đầu tư trả nợ lâu dài. Mặt khác, một số diện tích cây cao su đã già cỗi, người dân cạo mủ không đúng kỹ thuật dẫn dến cây khô mủ, “cháy” lá bị chết nên buộc phải đốn bỏ.

Hộ ông Mường trồng 2 ha cao su đã 8-9 năm tuổi, cho khai thác mủ vài năm trở lại đây. Nhận thấy khó khăn khi duy trì vườn cây cao su, ông Mường đành đốn bỏ 0,7 ha để trồng cây sắn và dành một số ít diện tích để trồng keo hy vọng giải quyết cái ăn trước mắt. Tình cảnh của ông Mường cũng là thực trạng chung của hàng chục hộ dân trồng cây cao su trên địa bàn. 

Anh A Moong Tỵ, cán bộ Văn phòng UBND xã Hồng Hạ cho biết, cây cao su từng là loại cây mang lại giá trị kinh tế khá cao cho người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào miền núi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người trồng cao su gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nên mới đốn bỏ.

Trước tình hình trên, mới đây UBND huyện A Lưới đã tổ chức buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã cùng các hộ dân trồng cây cao su trên địa bàn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và quán triệt, tổ chức tuyên truyền đối với các hộ dân có ý định chặt bỏ cây cao su bán gỗ thay thế bằng các loại cây trồng mới.

Đã có 5 ha cao su trồng sát cây keo tràm tại xã Hồng Hạ bị người dân đốn bỏ vì cho rằng sản xuất không hiệu quả

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, sau khi nắm bắt tình hình, huyện đã chỉ đạo UBND xã Hồng Hạ cần xác định rõ cây cao su là cây chủ lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, đề nghị UBND xã tăng cường tuyền truyền cho người dân về việc chăm sóc, khai thác mủ cao su tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đã được các cơ quan chức năng hướng dẫn.

Đối với các hộ có vườn cao su năng suất kém, địa phương cần hướng dẫn cho các hộ dân có đơn đề nghị chuyển đổi, gửi cho Phòng NN&PTNT huyện để phòng cùng với Trạm Khuyến nông lâm ngư thành lập đoàn điều tra, đánh giá hiện trạng vườn cao su của các hộ dân, từ đó có hướng giải quyết phù hợp.

Cũng theo ông Ngưm, đối với các hộ dân còn nợ vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT huyện A Lưới, đề nghị địa phương cần thông báo cho các hộ dân định kỳ hàng tháng đến UBND xã trả nợ nhằm hạn chế lãi suất ngày càng tăng cao; những hộ dân nào có nhu cầu vay vốn tái sản xuất theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP để có lãi suất thấp hơn đề nghị địa phương hướng dẫn các hộ dân liên hệ trực tiếp với Ngân hàng NN&PTNT huyện A Lưới để có hướng giải quyết cụ thể.

Theo Thừa Thiên Huế online