Toả sáng tinh thần chiến thắng 30 tháng 4

 


Có những sự kiện lịch sử mà càng có độ lùi về thời gian, qui mô và tầm vóc của nó càng lung linh và hoành tráng. Sự kiện chấm dứt 30 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam là một ví dụ. 36 năm đã qua, sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975 càng sáng chói, ngày càng tỏa sáng nhiều ý nghĩa...

Ngày 30 tháng 4 là ngày chiến thắng, ngày cả dân tộc Việt Nam ca khúc khải hoàn. Người Việt Nam, ai từng sống trong những năm tháng chiến tranh, đất nước cắt chia, bom rơi đạn nổ, mong manh sự sống và cái chết, càng thấm thía ý nghĩa của giây phút lá cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập, báo hiệu sự cáo chung của chính quyền Sài Gòn và chủ nghĩa thực dân mới xâm lược. Sau 30 năm kháng chiến trường kỳ, hy sinh gian khổ, cái đích mà cả dân tộc phấn đấu hy sinh đã thực sự trở thành hiện thực: Non sông hòa bình, nước nhà thống nhất, nhân dân tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Con đường mà cả dân tộc đã đi qua để có ngày 30 tháng 4, nói một cách hình ảnh, là con đường đầy máu và hoa. Niềm vui vỡ òa, nỗi đau lắng đọng. Vì thế, đối với người Việt Nam, ngày 30 tháng 4 còn mang một ý nghĩa đặc biệt cao cả. Đó là ngày hòa giải và hòa hợp dân tộc. Chiến thắng 30 tháng 4 không của riêng ai. Tất cả người dân Việt Nam đều góp phần làm nên chiến thắng. Nỗi đau cũng không của riêng ai. Tất cả người dân Việt Nam, trực tiếp hay gián tiếp đều chịu nỗi đau, hy sinh mất mát khi nước nhà bị chia cắt, Tổ quốc bị xâm lược. Có người ví cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta như một bản anh hùng ca. Bản anh hùng ca, tất nhiên chứa đựng chất hùng ca và chất bi ca. Người Việt Nam ta đã biết hóa giải bi kịch, xóa bỏ dần mặc cảm và định kiến hẹp hòi để đạt đến sự trọn vẹn, hài hòa, để cả dân tộc hòa hợp dưới mái nhà chung mang tên Dân Tộc Việt Nam. Mỗi năm, đến ngày 30 tháng 4, mỗi người dân Việt Nam lại thấy mình càng phải xích lại gần nhau hơn, lại càng thấy giá trị của sự rộng mở hòa giải hòa hợp để cùng hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai tốt đẹp của cả dân tộc.

Ngày 30 tháng 4 là ngày tri ân, đền ơn đáp nghĩa. Tri ân đồng bào đồng chí thủy chung, son sắt, chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Tri ân nhân dân các nước anh em và bạn bè yêu chuộng hòa bình, tự do công lý khắp năm châu suốt mấy chục năm đã đứng về phía nhân dân Việt Nam, cổ vũ và giúp đỡ, đồng cảm và sẻ chia. Ơn đền nghĩa trả, đó là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta. Những người chịu nhiều hy sinh mất mát, những người hứng chịu di chứng chiến tranh phải được quan tâm chăm sóc nhiều hơn nữa, bằng nhiều chính sách cụ thể và hiệu quả hơn nữa.

Ngày 30 tháng 4 là ngày vinh danh. Những người có công phải được ghi công và khen thưởng xứng đáng. Vinh danh những anh hùng có tên và những anh hùng vô danh; những người đang sống và những người đã mất; những người có tên tuổi, chức danh và những người vì nhiều lẽ, phải mai danh ẩn tích, nhưng tinh thần yêu nước, sự hy sinh thầm lặng của họ thì vô bờ bến...Ngay trong những ngày kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà này, nhiều cá nhân và đơn vị được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn chống Mỹ cứu nước, là một sự vinh danh đầy ý nghĩa.

Nhân dân vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã làm nên chiến thắng 30 tháng 4. Ngày lịch sử trọng đại này, cả dân tộc càng thấy phải biết phát huy tinh thần chiến thắng, phát huy sức mạnh Việt Nam để có một 30 tháng 4 trong xây dựng đất nước hòa bình, ấm no, hạnh phúc...