Thầy hiệu trưởng năng động, tâm huyết

Đầu năm 2017, thầy giáo Lý Trực Hữu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Phú Xuân (Phú Vang). Nhiệm vụ đầu tiên của thầy là phải xây dựng trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chậm nhất vào năm 2020.

Thầy giáo Lý Trực Hữu (ngoài cùng, bên phải) trồng cây xanh cùng cán bộ giáo viên nhà trường

Thời điểm đó, hai tiêu chí 3 và 4 trong bộ 5 tiêu chí đánh giá trường chuẩn ở Phú Xuân khó đạt do cơ sở vật chất (CSVC) còn thiếu và yếu. Sân trường nhếch nhác, mùa mưa nước ứ nhiều vũng, tường rào, sân chơi, bãi tập chưa có; nhiều phòng học, phòng chức năng xuống cấp; trang thiết bị còn nghèo nàn... Chất lượng dạy và học vẫn cần đầu tư nâng tầm. Nhiều bài toán khó đòi thầy Hữu tìm lời giải.

Là giáo viên ngữ văn, hơn 15 năm công tác, ngoài đứng lớp, thầy Hữu có nhiều năm làm tổng phụ trách, phó hiệu trưởng... tích lũy không ít kinh nghiệm. Thầy xác định, để giải quyết khó khăn trước mắt phải cùng lúc hoàn thiện các “lỗ hổng”. Thế là, vừa rà soát chất lượng dạy và học, thầy Hữu tích cực tìm nguồn để nâng cấp CSVC.

Ngoài nguồn kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cấp để đầu tư trang thiết bị dạy học; với 400 triệu đồng do Phòng GD & ĐT và UBND huyện Phú Vang cấp để tu sửa dãy 5 phòng học đã xuống cấp nặng, không khoán trắng các hạng mục cho nhà đầu tư, thầy Hữu kêu gọi cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGVNV) nhà trường góp công và luôn là người tiên phong trong các buổi lao động ngoài giờ; cùng đồng nghiệp chuyển vật tư, tháo dỡ các hạng mục cũ, sơn tường, san lấp mặt bằng, trồng cây... để giảm chi phí; vật tư cũ như đòn tay, tôn được tận dụng làm nhà để xe cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Dưới sự chỉ đạo của thầy Hữu, chúng tôi không chỉ thi công công trình đạt chất lượng, tăng công năng sử dụng, tiết kiệm chi phí, mà còn có thêm nhiều tác phẩm bất ngờ do giáo viên và học sinh thể hiện”. Thầy Dũng đưa chúng tôi tham quan từng phòng học, phòng chức năng và khu hiệu bộ, đường lên cầu thang... có treo tranh hoặc vẽ do giáo viên, học sinh thể hiện rất hài hòa.      

Phú Xuân là xã bãi ngang, hộ nghèo còn nhiều nên khó để kêu gọi kinh phí từ phụ huynh; tuy nhiên, nắm bắt tâm lý đa số cha mẹ học sinh đều mong muốn con em được học hành trong môi trường tốt, thầy chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm giải thích về lợi ích của trường học đạt chuẩn để kêu gọi phụ huynh và cộng đồng góp công, góp cây; đồng thời, giao công đoàn lập kế hoạch, phân công công việc cụ thể cho từng nhóm, nhanh chóng san lấp mặt bằng, trồng cây xanh, sửa điện nước, sơn bàn ghế... giúp giảm chi phí hàng trăm triệu đồng.

Nhờ những nỗ lực đó, chỉ nửa năm sau đó, CSVC ở Trường THCS Phú Xuân đã được chuẩn hóa, bảo đảm các tiêu chí và được công nhận trường chuẩn mức 1 vào tháng 8/2018. Thầy Hữu chia sẻ: “Để chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến, bên cạnh đổi mới chương trình; nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc theo dõi, chăm sóc các em đúng cách; đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm đuổi kịp phương pháp giảng dạy mới, xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, kích thích sự năng động sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy”.

Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, nhận xét: “Bằng sự nhiệt tình của mình, thầy giáo Lý Trực Hữu đã thành công trong công tác xã hội hóa, đưa Trường THCS Phú Xuân đạt chuẩn sớm hơn dự định và nâng cao nhận thức của học sinh với cây xanh và môi trường. Đây là điển hình cần được nhân rộng”.

Theo Thừa Thiên Huế online