Phong Điền: Khai thác nhựa thông 2 lá

Những đồi thông trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều người dân Phong Điền từ nhiều năm nay.

 

Nhập nhựa thông cho Công ty Lâm nghiệp Phong Điền sau khi thu hoạch

Huyện Phong Điền có tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 68.428ha, riêng rừng trồng hơn 12.241ha. Trong đó, có 1.230ha diện tích rừng thông tập trung ở 5 xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An và thị trấn Phong Điền. Cây thông được trồng chủ yếu ở đây là thông nhựa 2 lá.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Phong Điền- ông Lê Văn Thiện cho biết, thời gian qua, việc giao khoán rừng thông cho 350 người dân trên địa bàn khai thác nhựa đã tạo hiệu ứng tích cực, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương trong phát triển kinh tế đồi rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

“Hàng năm, sản lượng khai thác nhựa thông trên địa bàn huyện Phong Điền đạt 600 tấn, với giá thu mua nhựa hiện nay của công ty từ 11- 12 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi năm công ty chi trả cho người dân khoảng 7 tỷ đồng tiền thu mua nhựa thông”, ông Thiện nói.

Đối với xã vùng núi Phong Xuân, thế mạnh chủ yếu là lâm nghiệp, cây thông được lựa chọn là cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Gia đình ông Đoàn Vĩnh Trúc (thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân) là một trong những hộ có thu nhập cao từ việc khai thác nhựa thông. Năm 2014, gia đình ông nhận khai thác khoảng hơn 2.000 cây thông, từ đó gia đình ông sớm ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

“Thu nhập hàng năm của gia đình tôi từ nghề khai thác nhựa thông cao hơn làm lúa nhiều lần. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập từ nhựa thông được hơn 100 triệu đồng”- ông Trúc cho biết.

Không chỉ riêng gia đình ông Trúc, cây thông còn là động lực giúp nhiều hộ dân khác ở xã Phong Xuân vươn lên như Trần Văn Quý, Trần Văn Dũng, Trần Văn Xê, Trương Thị Luyến, Trần Thị Thương, Hoàng Hai… đều có mức thu nhập trung bình khoảng 50- 70 triệu đồng/năm, chủ yếu từ khai thác nhựa thông.

Bà Nguyễn Thị An, ở Đội 2 Lâm trường (thị trấn Phong Điền) năm nay 65 tuổi, trước đây là công nhân của Lâm trường Phong Điền về hưu nhận thấy khai thác nhựa thông không vất vả nhưng cho thu nhập cao nên bà đã nhận 700 gốc ở gần nhà để khai thác nhựa.

Ông Trần Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Xuân khẳng định: Cây thông thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ở địa phương. Việc chia sẻ lợi ích cho các hộ nhận khoán trong việc khai thác nhựa thông đã tạo nguồn thu giúp bà con nông dân xóa nghèo, đồng thời tạo động lực để người dân thường xuyên kiểm tra, giám sát diện tích rừng được giao nhận khoán, hạn chế cháy rừng và thả rông gia súc, gây ảnh hưởng xấu tới rừng.

Theo Thừa Thiên Huế online