Phập phồng rau vụ đông

Sau đợt lũ giữa tháng 12, người trồng rau Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà đã tập trung khôi phục, trồng mới những luống rau bị hư hỏng sau lũ. Nhờ vậy, những vườn rau cải, xà lách, hành ngò... đã dần phủ một màu xanh trở lại.

Khắc phục rau sau lũ

Vùng trũng “chịu thiệt”

Đợt mưa lũ giữa tháng 12 vừa qua khiến hơn 33 ha hoa màu; 5,7 hoa cúc tết tại các xã Quảng Thành, Quảng Thọ, huyện Quảng Điền chìm trong nước, bao công sức gieo trồng, chăm sóc của bà con trở thành “công cốc”. Nếu như mọi năm, thời điểm này người nông dân có thể “nhẹ lòng” vì đã bước qua được thời gian mưa lũ cực đoan nhất thì năm nay lũ đến muộn khiến người nông dân kém vui.

Ngay sau mưa lũ, người dân bắt tay ngay vào việc làm đất, ươm giống, bón phân cho những lứa rau mới. Tại cánh đồng rau Thành Trung, xã Quảng Thành những mầm xanh đã bắt đầu xuất hiện trở lại.

Bà Trần Thị Thơi, nhanh tay làm cỏ cho đám rau mới trồng: “Nghe thông tin dự báo, năm nay thời tiết ít mưa, nên chúng tôi dồn sức sản xuất rau vụ đông. Thế nhưng, cơn lũ giữa tháng 12 đi qua đã nhấn chìm tất cả. Người dân Thành Trung vốn chuyên rau ngắn ngày mà loại rau này thì chỉ cần mưa to là bị dập nát, thối lá nên nước mới ngập 2 ngày đã khiến vườn rau “tan hoang”. Hiện gần 1,5 sào rau của gia đình đã được trồng mới. Tuy nhiên, trước thông tin áp thấp nhiệt đới tăng cường, chúng tôi lại phập phồng không yên.

Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành thông tin: Toàn xã có 31,2 ha rau màu bị ngập úng, hư hỏng trong đợt lũ vừa qua. Diện tích này chủ yếu nằm trong vùng thấp trũng nên rất dễ bị tác động bởi mưa lũ. Đến nay, các diện tích này đều đã khắc phục xong. Tại các chân ruộng thấp, người dân đã tiến hành làm đất nâng cao luống, gieo lứa rau mới.

Không riêng gì Quảng Điền, một số địa phương trồng rau màu cũng tập trung khôi phục thiệt hại ở những chân ruộng thấp bị ngập đảm bảo nguồn cung rau trên thị trường. Tại xã Điền Lộc, vùng trồng rau lớn của huyện Phong Điền trong đợt lũ vừa qua có 14,6 ha rau màu các thôn Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây và Nhì Tây bị hư hỏng nay cũng đã phủ màu xanh. Ngoài khắc phục rau, chính quyền cũng vận động người dân đầu tư nâng cấp hệ thống đê bao đảm bảo tiêu thoát nước nhanh, sử dụng bạt phủ nông nghiệp ở những vùng chuyên rau trên đất cao nhằm hạn chế thiệt hại khi mưa lớn xảy ra.

Nhiều vùng rau bị hư hỏng khiến giá rau xanh thời gian gần đây có xu hướng tăng nhẹ. Hiện tại các chợ, giá rau cao hơn từ 30-40% so với thời điểm bình thường. Trong đó, cải, xà lách có giá từ 10-13 ngàn/bó; mồng tơi 50 ngàn đồng/kg; tần ô 60 ngàn đồng/kg, chủng loại rau cũng không mấy phong phú…

Thận trọng ở chân ruộng thấp

“Trồng rau vụ đông, chúng tôi chấp nhận khả năng năm ăn, năm thua vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro do yếu tố bất thường của thời tiết. Trong đó, lo ngại nhất đối với trồng rau vụ đông là mưa lũ bất thường nhưng bù lại rau vụ đông giá cao gấp 2-3 lần rau chính vụ do nguồn cung ít, giá thành cao”, một hộ trồng rau Điền Lộc chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, từ đây đến cuối năm tình hình thời tiết dự báo rất bất thường nên người dân cần thận trọng trong việc trồng rau màu tại các chân ruộng thấp. UBND huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng những loại cây còn trong khung thời vụ. Bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, chăm sóc và bón phân kịp thời đối với diện tích cây vụ đông đã gieo trồng.

Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông tin: Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có trên 1.000 ha rau màu, như: xà lách, cải, hành ngò... Trồng rau vụ đông tuy hiệu quả kinh tế cao nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Để cây vụ đông đạt sản lượng cao, các địa phương cần hướng dẫn, chỉ đạo bà con đầu tư chăm sóc đúng quy trình. Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương, từng vùng và diễn biến mưa lũ để xem xét, tính toán có kế hoạch gieo trồng, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến gieo trồng vụ xuân.

Với những vùng ngập sâu nên đợi rút nước, xử lý đất trước khi gieo giống nhằm hạn chế mầm bệnh phát sinh trong mưa lũ. Riêng ở các chân ruộng thấp, vào vụ đông cần nâng luống lên cao hơn so với các vụ khác, đầu tư màng che phủ khi trồng rau nhằm hạn chế sự tác động trực tiếp của khí hậu, thời tiết lên rau màu. Cần đầu tư xây dựng các mô hình trồng rau an toàn nâng cao giá trị rau. Ưu tiên bón các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học nhằm tăng cường khả năng chống chịu bệnh cho cây rau và tăng năng suất hơn, mức độ xanh tươi và thời gian rau xanh lâu ngày hơn.

Sau rau vụ đông, người dân sẽ bắt tay chuẩn bị cung ứng nguồn rau tết, vì thế người trồng rau rất hy vọng ở thời điểm cuối vụ thời tiết sẽ thuận lợi hơn, nông sản được giá cho ngày tết thêm đầm ấm.

Theo Thừa Thiên Huế online