Nuôi cá mùa lũ: Không được chủ quan

Dù năm nay chưa xuất hiện lũ, song những hộ dân nuôi cá trên sông, đầm phá cần cảnh giác, đề phòng rủi ro.

Người dân huyện Quảng Điền kiểm tra lồng nuôi

Lũ hay không lũ vẫn nuôi

Hàng năm, đến mùa lũ, nhiều hộ dân nuôi cá lồng tại “rốn lũ” huyện Quảng Điền lại thấp thỏm. Năm trước, lũ về, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè ở các xã Quảng Thọ, Quảng Phú... bị thiệt hại lớn. Có người vì bảo vệ tài sản bị nước lũ cuốn.

Theo ông Võ Tuân (thôn Phú Lễ, Xã Quảng Phú), hiện nuôi hơn 10 ô cá diêu hồng, nuôi cá lồng trên sông là sinh kế của người dân nơi đây với hai loại chủ yếu là cá trắm và diêu hồng, phương thức nuôi xoay vần quanh năm, sau thu hoạch là lại thả tiếp, bất kể mùa nắng hay mưa. Ông Tuân nhẩm tính, nếu thuận lợi mỗi ô cá cho thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng, trong đó chí phí thức ăn chiếm khoảng 30%.

Thống kê của UBND xã Quảng Phú,  hiện địa phương có 183 hộ nuôi cá lồng bè, trong đó 12 bè nuôi cá diêu hồng với 85 ô, 267 lồng cá trắm. Tháng 11 năm ngoái, lũ làm hàng trăm ô cá bị chết, cuốn trôi, thiệt hại tiền tỷ. “Năm nay, chưa xuất hiện lũ nên khá thuận lợi. Nhiều hộ có thêm thu nhập từ cá nhưng với người nuôi cá, dù có lũ hay không vẫn nuôi”, ông Tuân cho hay.

Theo ông Phạm Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, thời vụ nuôi cá của người dân tại địa phương diễn ra quanh năm, với cá diêu hồng chừng 5 tháng là cho thu hoạch; còn cá trắm phải đến 1,5-2 năm, cá mới đủ trọng lượng xuất bán. “Năm nay cá diêu hồng được giá nên nhiều hộ nuôi thu về lãi cao còn giá cá trắm chưa cao, chỉ chừng 60 nghìn đồng/kg”, ông Lợi cho biết.

Tại xã Quảng Thọ hiện cũng có khoảng 850 lồng đang thả nuôi. Hiện nay, nhiều hộ nuôi đang canh thả nuôi để đúng vào dịp tết xuất bán với hy vọng giá cao. “Đa số người nuôi đang ghim cá chờ vụ tết để bán được giá. Dù năm nay không có lũ nhưng chúng tôi cũng kết nối thông tin thời tiết với cơ quan chức năng để thường xuyên thông báo cho người dân”, ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ nói.

Người dân xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) kiểm tra cá

Ngoài các con sông, tại một số địa phương vùng đầm phá, cửa biển như Vinh Hiền, Lộc Bình (huyện Phú Lộc) hiện nay, người dân nuôi cá lồng có một năm thuận lợi. Đúng một năm về trước cá của người dân tại đây cũng chết trắng lồng. “Năm nay thời tiết thuận lợi, nhiều hộ nuôi cá phấn khởi vì có thu nhập khá”, ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền thông tin.

Cẩn trọng

Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết, Quảng Điền có khoảng 16ha nuôi cá thường bị ảnh hưởng khi mùa lũ đến. Ngoài ra, có khoảng 20 ha xã Quảng Công cũng bị ảnh hưởng nhưng số diện tích này nằm ở những vùng có thể nuôi vượt lũ, chỉ bị ảnh hưởng khi gặp lũ lớn, còn các diện tích nuôi nước ngọt khác và nuôi nước lợ của huyện thì chủ yếu ở vùng thấp trũng.

Năm 2017, do ảnh hưởng mưa lũ, nước sông chảy mạnh và lên nhanh gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Bồ. Năm nay, chưa có lũ xuất hiện trên địa bàn nên việc nuôi cá lồng trên sông cơ bản ổn định.

“Thời tiết năm nay khá thuận lợi cho người nuôi cá. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người nuôi không được lơ là, cần tăng cường chăm sóc lồng cá. Nếu sản phẩm đạt kích cỡ, cần thu tỉa để bán; không nên thả thêm giống vì nếu cuối năm thời tiết diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng, dẫn đến thất thoát. Người dân cũng phải theo dõi, tự quản lý ao nuôi, đề có biện pháp kịp thời bảo vệ đàn cá nuôi khi gặp thời tiết bất lợi”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo.

Theo bà Nhã, năm 2018, huyện Quảng Điền đã đưa vào thả nuôi 1226 lồng bè trong đó chủ yếu là cá trắm và khoảng 20 bè nuôi cá diêu hồng. Đối với diện tích vùng thấp trũng, huyện đã ban hành khung lịch thời vụ, thu hoạch trước 31/8; ngoài ra, từ nguồn vốn khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2017, đã thực hiện công trình đúc các cột mốc để néo các lồng cá trên sông Bồ với số lượng 191 cọc cho 2 xã Quảng Phú và Quảng Thọ. Công trình đã hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng để người dân có nơi neo lồng chủ động và yên tâm hơn khi có lũ lớn.

Năm nay, đến thời điểm này vẫn chưa có lũ. Theo cơ quan chuyên môn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá lồng nói riêng.

Đối với thủy sản nước lợ, nếu không có lũ, các chất thải từ vụ nuôi năm trước tích tụ lại trong ao, kênh mương cấp nước không được cuốn trôi, dễ gây ra dịch bệnh cho vụ nuôi sau.

Đối với nuôi cá lồng, lũ về sẽ cuốn trôi chất cặn bã, thức ăn dư thừa, chất thải, lồng được làm sạch. Đối với nuôi cá vùng đầm phá, việc có lưu tốc dòng chảy được thường xuyên sẽ là điều kiện rất thuận lợi, làm thông thoáng môi trường, cung cấp oxy cho cá…

Ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ thông tin: “Vừa rồi, cá tại địa phương bị dịch bệnh, thiếu ô xy. Nguyên nhân dòng nước bị tù, không chảy, trong khi đó ngoài thức ăn tự nhiên, người dân còn bổ sung thức ăn công nghiệp. Việc tồn dư thức ăn khiến nguồn nước bị ô nhiễm”.

Theo Thừa Thiên Huế online