Nhếch nhác trên đường Trịnh Công Sơn

Đường Trịnh Công Sơn nằm dọc bờ sông Hương lâu nay không chỉ đối mặt với sự lấn chiếm của quán nhậu mà còn nhếch nhác với đủ loại rác thải.

Người dân, du khách chưa hài lòng với những gì đang diễn ra trên con đường này khi Huế đang cố gắng làm đẹp hai bên bờ sông Hương.

Rác thải xây dựng chất thành đống cao trên vỉa hè đường Trịnh Công Sơn (ảnh chụp chiều 20/11)

Từ hàng quán lấn chiếm đến rác thải

Khi tuyến phố được hình thành dọc theo bờ sông Hương, những người yêu Huế, giới văn nghệ sĩ đã mơ ước nơi đây sẽ trở thành không gian văn hóa. Nhưng việc này chưa thành thì con đường này đã nổi danh là “phố nhậu”. Không gian dọc tuyến đường từ cầu Gia Hội đến điểm giao với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bị các quán nhậu chiếm dụng, bày bàn ghế trên thảm cỏ, bồn hoa. Thời điểm đông đúc nhất là vào cuối chiều cho đến đêm khuya.

Chị Hoài Sâm (du khách từ TP. Hồ Chí Minh) khi đến Huế đã dành thời gian để dạo bộ trên con đường dọc sông Hương, mang tên nhạc sĩ mà chị mến mộ. Ở đây, có thể thả hồn ngắm cầu Trường Tiền, ngắm Đập Đá xuôi về Vĩ Dạ, hay Cồn Hến… Tuy nhiên, chị đã thất vọng. “Thay vì quán nhậu, tuyến đường nên được quy hoạch trở thành không gian văn hóa, bán hàng lưu niệm, giao lưu văn hóa”, chị Sâm đề xuất.

Không dừng lại ở việc lấn chiếm công viên, nhiều người đã đổ rác thải tràn lan dọc theo vỉa hè khiến tuyến đường càng nhếch nhác. Rác xây dựng, rác thải sinh hoạt... lấn hết đường đi bộ; hệ thống cây xanh dọc theo vỉa hè cũng bị ảnh hưởng, nhiều gốc cây bị rác thải đè lên có nguy cơ bị bức tử.

“Đây là tuyến đường du khách rất thích tìm đến để đi dạo, ngắm cảnh lại hình thành quán nhậu dày đặc, đủ loại rác thải vô cùng phản cảm, trong khi tỉnh, thành phố đang cố gắng làm đẹp hai bờ sông Hương”, một bạn trẻ sinh sống trên đường Trịnh Công Sơn bày tỏ.

Còn vướng mắc, chờ xử lý

Theo ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế, không riêng gì công viên Trịnh Công Sơn mà những công viên khác đều có nội quy, cấm buôn bán nhưng chủ quán vì lợi nhuận mà bất chấp. Việc kinh doanh này ảnh hưởng đến cảnh quan, vệ sinh môi trường.

“Thực tế mà nói hiện nay rất khó xử lý các hàng quán dọc công viên đường Trịnh Công Sơn bởi vẫn còn một số vướng mắc trong việc giải tỏa đất đai chưa giải quyết dứt điểm. Riêng về rác thải tôi sẽ huy động lực lượng cho thu gom ngay, trả lại không gian xanh sạch, đảm bảo cây xanh phát triển”, ông Chinh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc, Chủ tịch UBND phường Phú Cát cho hay, việc giải tỏa các hộ dân để làm đường Trịnh Công Sơn dọc theo bờ sông Hương đã diễn ra từ 10 năm trước. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số hộ dân vẫn chưa đồng ý đền bù, giải tỏa.

Trong thời gian này, vì nhu cầu sinh kế nên một số hộ dân vẫn tiếp tục buôn bán ngay trên công viên. Riêng về chuyện đổ rác thải trên tuyến đường này, theo ông Quốc là do lợi dụng đêm khuya, đường vắng vẻ nên nhiều người dân đã đem rác thải đến đổ trộm. “Hiện thành phố đang tích cực rà soát lại để giải quyết chính sách đền bù cho các hộ dân còn vướng mắc. Sau đó sẽ tiếp tục chỉnh trang lại công viên Trịnh Công Sơn…”, ông Quốc lý giải.

Theo Thừa Thiên Huế online