Nghề biển

Cánh ngư dân bảo, nghề rùng, nghề dạ, câu kiều, “te” ruốc đất…đang dần mất. Nhưng nhiều lần về các vùng biển, tôi thấy nó không mất mà còn được cải tiến.

Chuyến biển trở về của ngư dân Quảng Ngạn (Quảng Điền)

1. Buổi chiều trên bãi cát, luyên thuyên chuyện biển với lão ngư Lê Văn Hưởng (huyện Phong Điền). Phía xa, nhiều nhóm thanh niên vác từng khối mức kéo (loại lưới có mắt rất nhỏ) nặng trịch, hí hoáy đủ thứ dây, cọc tre. Ông Hưởng giải thích, đó là nghề kéo mực địu.

Là dân biển, tôi không lạ gì loại mực này, thường xuất hiện vào tháng 7, tháng 8 âm lịch. Và chỉ vào bờ kiếm ăn lúc trời chập choạng tối. Ngư dân vùng lộng có hẳn một nghề kéo địu. Nhưng lâu lắm rồi, bây giờ mới có dịp tận thấy “nghề hiếm” hồi sinh trên biển quê. Hơn 40 năm bám biển, ông Hưởng cũng bất ngờ khi nghề cũ hồi sinh...

Nói là nghề cũ bởi đây là phương thức đánh bắt giản đơn của những người đi biển thời trước ở vùng nước độ sâu hơn nửa sải tay. Thời buổi tàu to thuyền lớn, với những loại ngư lưới cụ hiện đại thì việc dùng một tay lưới vài chục mét phân thành hai nhánh, chia để hai người kéo xem chừng ấu trĩ. Nhưng ông Hưởng cập nhật một thông tin khá mới: “Kéo mực địu thời ni không như trước. Người kéo chẳng cần dùng sức. Lúc biển êm, gió nồm thổi, đi tìm mặt biển có dòng nước chảy, mức kéo được đấu vào hai đầu ngáng (một thanh tre dài hơn một mét) rồi cắm từng ngáng xuôi theo dòng nước chảy, phía sau mức có một cái đạy. Mực địu sẽ theo dòng nước bò vào đạy. “Công nghệ” ni được một ngư dân học ở Nhật Bản khi đi xuất khẩu lao động về bày cho bà con”.

Từ chuyện kéo địu “làm chơi ăn thiệt”, ông Hưởng xúc động với những ký ức xưa bởi không chỉ vùng biển nghèo nơi tôi và ông chuyện trò, những vùng biển lân cận đó, nhiều nghề dần mất. “Nói về làng biển thì nhiều chuyện lắm. Những nghề mai một đều là những nghề thuộc về văn hóa, lao động tập thể. Khó có thể thấy lại cảnh dân làng xôm tụ, chật kín bãi bờ mỗi mùa ruốc về; vợ chồng, con cái nuối đuôi kéo “rùng” bắt cá duội, cá me. Cảnh các chị, các mẹ đội nắng “te” từng rổ ruốc đất hay họp chợ ngay trên bãi mỗi mùa cá hố, cá khoai, cá trích”, ông Hưởng hoài niệm.

Ngư dân xã Quảng Ngạn (Quảng Điền) trúng vụ cá khoai

Lời ông Hưởng nhắc để nhớ nhưng phía xa chân trời, vùng tiếp giáp với nước biển, những cây tre dài thấp thoáng trong mờ sương. Đó là những cây tre được ngư dân cắm xuống biển, dưới mặt nước là những lùm lá khô chuối dụ cá nục. Nghề xưa cũ này chưa mất đi, nghĩa là ngư dân vẫn cứ sắt son với biển. Những tay lưới kéo mực địu tưởng “đắp chiếu” nay kiếm ra tiền. Nghề cũ nhưng biết đánh bắt theo kiểu mới thì cứ tồn tại. “Sắp đến mùa cá hố chắc phải dong thuyền vượt sóng”. Theo cách nghĩ ấy  của ông Hưởng, tôi đồ rằng những tay lưới rùng, lưới dạ, lưới cá sắp có một mùa bén nước…

2.  Một lần lang thang vào cuối tháng 10 ở miệt biển Phú Lộc, nhìn cảnh hàng chục ngư dân cùng nhau kéo lưới tấp (làng tôi gọi là kéo rùng) khiến tôi thoáng chút giật mình. Cái nghề không chỉ ở quê mà nhiều vùng bãi ngang khác dường như lùi vào dĩ vãng lại còn lưu giữ tại nơi này. Thậm chí phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao, tạo sinh kế cho hàng trăm hộ dân ở Phú Lộc.

“Suốt tháng 10, nghề kéo lưới tấp mang lại hàng chục triệu đồng cho ngư dân. Mỗi ngày, tụi tui vào ra 3-4 trộ/thuyền. Năm nay, được mùa cá cơm nên nghề lưới tấp ăn nên làm ra, thương lái đến tận bãi để thu mua. Làm biển có rất nhiều nghề nhưng với tui nghề lưới tấp phải được lưu giữ”, ông Nguyên Văn Dũng (thôn Bình An 1, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) chia sẻ.

Thông tin từ ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, với nghề lưới tấp địa phương này đang có hơn 20 thuyền đang hành nghề và nguồn thu hải sản từ loại nghề này rất đáng kể.

Ngư dân xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) kéo lưới tấp (một số nơi gọi là kéo rùng)

Ngư dân Lê Văn Tạo ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) quê ở Phong Điền. Ba  hy sinh nơi chiến trường, sau khi lập gia đình, ông cùng mẹ đến Lăng Cô lập nghiệp. “Ngày trước, tui cũng đi biển ở quê, nên vào lập nghiệp Lăng Cô vẫn tiếp tục bám biển”, ông Tạo nói.

Chẳng có nhiều tiền đầu tư đóng thuyền mới, 15 năm trước, ông cùng những người anh em đến tận vùng biển Hải Khê (Quảng Trị) mua chiếc thuyền cũ công suất 24 CV. Theo đường biển, ông đánh thẳng thuyền từ Quảng Trị vào cảng Chân Mây. “Chiếc thuyền chừ còn chạy ngon lắm. Sang năm mới tu sửa lại. Tổ tiên tui làm biển nên tui quyết tâm bám biển mưu sinh”, ông quả quyết.

Hơn 30 năm bám biển, từng đánh bắt ở nhiều vùng biển khác nhau, ông hiểu khá rõ mặt nước của từng vùng miền. Nhắc đến những nghề tôi gọi là “hiếm”, ông bảo: “Lúc trước ở quê tui cũng kéo rùng bắt cá duội, cá me; kéo dạ đánh bắt ruốc. Vào đây cũng làm những nghề đó. Nhưng từng vùng có cách đánh bắt khác nhau. Ngoài thời tiết, phát triển nghề được hay không do ở ngư dân”.

Theo ông Tạo, có hai nguyên do khiến các phương thức đánh bắt xưa cũ ở vùng này mất đi nhưng vùng khác lại phát triển, đó là đặc điểm địa lý và con người. Nếu như những địa phương ở Quảng Điền, Phong Điền mặt nước trải dài, không có vịnh, cửa để đến mùa cá sinh sản và kiếm ăn thì ở các vùng biển khác như Hải Dương (TX. Hương Trà), Phú Lộc ngược lại.

“Đánh bắt gần bờ chủ yếu theo mùa, bởi rứa mà tụi tui thường gọi là mùa rùng, mùa dạ, mùa câu mực... Ở Lăng Cô hay Lộc Vĩnh có nhiều địa điểm cho cá tôm trú ngụ, sinh sản nên ngư dân thuận lợi hơn. Ngư dân có sẵn mỗi loại ngư lưới cụ để đánh bắt từng loại hải sản khác nhau, đến mùa cứ rứa mà ra khơi. Lúc đánh bắt ở quê thì không có nghề câu cá dũa hay chong đèn đánh lưới mành. Vào đây thuận lợi để phát triển nhiều nghề hơn”, ông Tạo nói.

“Nghề cũ nhưng cách đánh bắt phải mới”. Câu nói trước khi chia tay của ông Tạo khiến tôi nghĩ, biển không bao giờ phụ người. Chỉ cần ngư dân quyết tâm, thay đổi thì tôm cá sẽ lại đầy khoang, như học cách đánh bắt mực địu từ Nhật Bản của một ngư dân đâu đó.

Theo Thừa Thiên Huế online