Mạo danh lực lượng vũ trang để lừa đảo

Chỉ cần mang trên mình một bộ quân phục, các đối tượng có thể xưng là cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an lừa nhiều người để vụ lợi cá nhân, thậm chí có những hành vi xâm hại an ninh, trật tự. Điều đáng nói việc mua quân phục lực lượng vũ trang diễn ra công khai và rất dễ dàng.

Hàng nghìn người bị lừa

Liên tục trong nhiều ngày qua, lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện, bắt giữ và khởi tố nhiều đối tượng có hành vi mạo danh cán bộ, chiến sĩ (CBCS) lực lượng vũ trang, tàng trữ trái phép quân trang, công cụ hỗ trợ...

Ngày 21/6, Công an TP. Hà Nội khởi tố vụ án và ra lệnh bắt tạm giam đối với 5 đối tượng do Hoa Hữu Long cầm đầu khi có hành vi mạo danh người của Bộ Quốc phòng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 1.000 người. Công an cũng đã thu giữ nhiều quân phục cùng nhiều loại phù hiệu, quân hàm sĩ quan Quân đội Nhân dân, thậm chí các đối tượng trong quá trình lừa đảo còn xưng là... thiếu tướng quân đội.

Dễ dàng mua quân phục lực lượng vũ trang trên internet. 

Gần đây, công an một số tỉnh, thành trong cả nước liên tục bắt giữ nhiều đối tượng mạo danh CBCS công an nhân dân, mặc trang phục công an, sử dụng công cụ hỗ trợ như khóa số 8, roi điện, bình xịt hơi cay... trái phép. Đáng chú ý, trong các đối tượng trên, lực lượng công an còn phát hiện nhiều đối tượng phản động lợi dụng tình hình nhạy cảm của xã hội đã cố tình sử dụng quân phục lực lượng vũ trang để thực hiện ý đồ kích động biểu tình, làm mất an ninh, trật tự khi vu khống công an, quân đội đàn áp người dân, đồng thời gây chia rẽ mối quan hệ gắn bó giữa quần chúng nhân dân với lực lượng vũ trang.

Tại Thừa Thiên Huế, các đối tượng mạo danh công an để lừa đảo đã bị Công an tỉnh phát hiện, xử lý. Năm 2017, Công an TP. Huế bắt giữ 2 đối tượng mạo danh cán bộ điều tra Bộ Công an lừa đảo lấy số tiền 700 triệu đồng của một người phụ nữ tại phường An Cựu khi đe dọa người này có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Hay mới đây, lực lượng Công an tỉnh cũng đã bắt giữ Phạm Văn Hoàng Dũng, sinh năm 1995, trú tại 138 Tôn Thất Thiệp, TP. Huế vì có hành vi giả mạo công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phạm Văn Hoàng Dũng đã mua trên mạng xã hội facebook quân phục sĩ quan công an, chụp ảnh đăng trên mạng xã hội để tạo niềm tin với người khác, sau đó Dũng đã lừa đảo được 3 người với số tiền 27 triệu đồng...

Buông lỏng dịch vụ mua, bán quân phục

 Lên internet gõ cụm từ “mua quân phục”, ngay lập tức có hàng trăm bài viết, fanpage, website... bán quân phục, quân hàm, phù hiệu, giày, tất, thắt lưng, mũ kê pi... của lực lượng vũ trang. Khi hỏi mua các loại công cụ hỗ trợ, người bán không ngần ngại quảng cáo như: khóa số 8, bình xịt hơi cay, roi điện,... thậm chí cả súng giả (súng bắn bi) với hình thức bên ngoài giống như súng thật. Người viết thử đặt mua 1 thắt lưng công an, đối tượng ra giá 180.000 đồng và giao hàng về Huế trong 2 ngày. Khi hỏi về chất lượng sản phẩm, đều nhận được câu trả lời chắc như đinh đóng cột: “Hàng chính hãng các công ty, nhà máy của công an, quân đội” và “nếu không vừa ý thì có thể trả lại”,...

Cũng trên internet, rất nhiều đối tượng công khai nhận làm các loại giấy chứng minh công an nhân dân, chứng minh quân đội nhân dân với giá rẻ và được cam đoan giống như thật 100%, người đặt hàng chỉ cần ngồi ở nhà đợi “giao hàng”.

Pháp luật nhà nước nghiêm cấm các hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép quân phục, vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng vũ trang. Việc quản lý thiếu chặt chẽ thậm chí có phần buông lỏng trong công tác này đã dẫn đến tình trạng trên, tạo điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng vũ trang nhân dân. Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để xử lý các trường hợp vi phạm.

Theo Thừa Thiên Huế online