LIÊN QUAN VỤ TỬ VONG DO NỔ MÌN Ở HƯƠNG TRÀ: Tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của đơn vị khai thác

Nguyên nhân vụ một phụ nữ khi đi hái nấm ở phường Hương Vân tử vong do nổ mìn đang được Công an TX. Hương Trà và các lực lượng chức năng làm rõ. Sau vụ việc, UBND tỉnh đã ra Quyết định 2100/QĐ/UBND ngày 22/9/2018 tạm đình chỉ giấy phép sử dụng vật liệu nổ của Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng

Mỏ khai thác đá của công ty xi măng Luks trên địa bàn phường Hương Văn

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà cho biết, tai nạn dẫn đến chết người xảy ra trưa 21/9 tại khu vực mỏ đá Hương Bằng. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo thị xã cùng các ban ngành chuyên môn, địa phương đã đến thăm hỏi động viên, chia sẻ, hỗ trợ gia đình người dân bị nạn; đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân xảy ra sự cố.

Trước đó, trưa 21/9, bà Trần Thị Chín, 54 tuổi, trú ở phường Hương Văn, TX. Hương Trà đi hái nấm ở khu vực mỏ đá của Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng khi mỏ đá này đang nổ mìn khai thác đá nên bất ngờ bị đá bắn vào người. Được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế nhưng do đa chấn thương, đến 23 giờ ngày 22/9, nạn nhân tử vong.

Ông Nguyễn Vinh, Giám đốc Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng cho hay: Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện, hỗ trợ bước đầu cho gia đình 10 triệu đồng để lo viện phí. Khi nạn nhân mất, chúng tôi đã có mặt cùng gia đình lo hậu sự và hỗ trợ 30 triệu đồng.

Về quy trình đảm bảo an toàn khi nổ mìn, ông Hồ Phước Chê, phụ trách điều hành mỏ của Công ty Hương Bằng cho biết: Trong quy trình, tất cả các công đoạn phải đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, người thực hiện có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ trong lĩnh vực nổ mìn; tuân thủ quy trình xuất, nạp thuốc, phân công nhiệm vụ thi công bãi nổ... nghiêm ngặt. Tất cả các quy trình đều được gửi cho Sở Công Thương và Phòng PC64 - Công an tỉnh. Tại khu vực nổ mìn, công ty đều có biển báo, biển cấm. Hiện ở đây có 3 mỏ khai thác đá và chúng tôi có thỏa thuận thời gian nổ bắt buộc là từ 11h30-12h30 và 16h30-17h30. Tuy nhiên, thường chỉ nổ mìn vào buổi trưa để phòng thời tiết (sấm sét). Trước đây, thỏa thuận thời gian này có gửi về chính quyền các phường lân cận để thông báo cho người dân. Khi thực hiện vụ nổ, chúng tôi có cảnh giới 4 phía, đánh kẻng báo động 3 lần, sau mỗi lần đánh kẻng đều có đọc thông báo bằng lời. Nhân viên cảnh giới mỗi lần làm việc đều có ghi trong hộ chiếu nổ mìn theo quy định của Công an và Sở Công thương.

Hiện trên địa bàn TX. Hương Trà có 10 mỏ đá đang hoạt động và 1 mỏ đá đang chờ UBND tỉnh đánh giá lại để cấp phép (mỏ Ga Lôi ở Hương Thọ). Trong đó, phường Hương Văn có 1 mỏ (Luks Trường Sơn); xã Hương Thọ có 5 mỏ (Coxano Hương Thọ, Xuân Long, Việt Nhật, Ti tan, mỏ đá Cầu đường bộ tỉnh) và 4 mỏ ở phường Hương Vân (Hương Bằng, Trường Sơn, Thông Cùng và Khe Băng).

Ngoài mỏ đá của Công ty Trường Sơn sử dụng phương pháp nổ vi sai phi điện – là phương pháp nổ mìn tiên tiến trên thế giới, các mỏ đá còn lại hầu hết đều sử dụng phương pháp nổ truyền thống là nổ vi sai dây nổ, kíp vi sai rải mặt hoặc nổ vi sai với kíp xuống lỗ.

Khi được hỏi, với cảnh giới đầy đủ và quy trình nghiêm ngặt nhưng vẫn có người “lọt” vào khu vực nguy hiểm, Giám đốc Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng nói: “Sự việc này phải chờ kết luận của công an điều tra, vì khi diễn ra vụ nổ tôi không có mặt ở hiện trường nên không thể trả lời đúng và chính xác được”.

Theo lộ trình của tỉnh, đến cuối năm 2018, các đơn vị có mỏ khai thác đá phải thuê dịch vụ nổ, tiến tới xóa bỏ các kho mìn nhỏ lẻ để đảm bảo an toàn. “Trước khi sự việc xảy ra 3-4 ngày, chúng tôi đã  trao đổi với Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ (Đà Nẵng), đơn vị chuyên cung cấp vật liệu nổ cho doanh nghiệp để thực hiện các vụ nổ mìn khai thác đá và hẹn tuần sau sẽ ra Huế bàn bạc hợp đồng để tiến hành làm dịch vụ. Chúng tôi đã có kế hoạch sẽ hợp đồng với đơn vị chuyên nghiệp trong thực hiện việc nổ mìn theo đề xuất của UBND tỉnh”, ông Vinh thông báo.

Ngoài ra, công ty sẽ tăng thêm biển báo ở khu vực cấm, tăng cường phối hợp tuyên truyền cho người dân về những khu vực nguy hiểm xung quanh mỏ đá để tăng độ an toàn. Giám đốc Công ty CP Khai thác đá và Xây dựng Hương Bằng cho biết thêm: ‘Thực ra, đường vào mỏ không phải là đường dân sinh và không có nhà dân ở (mỏ nằm trong núi), vì vậy, nếu người dân đi lại trong khu vực này cần chú ý những giờ quy định để không đi vào nơi nguy hiểm”.

“Thời gian tới, UBND TX. Hương Trà chỉ đạo lực lượng chức năng nắm bắt tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn; chính quyền cơ sở chủ động nắm bắt thông tin về thời gian tín hiệu, hiệu lệnh, khoảng cách, an toàn khi nổ mìn của các mỏ đá, kịp thời thông báo cho người dân trong vùng được biết để phòng tránh tai nạn có thể xảy ra. Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra chấn chỉnh việc quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các đơn vị mỏ đá trên địa bàn”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TX. Hương Trà thông tin.

Theo Thừa Thiên Huế online