Khai biển đầu năm

 

Mùng 2 tết, tranh thủ thời tiết đẹp, nhiều tàu thuyền đã có chuyến biển đầu năm với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, ăn nên làm ra.

Tàu của ngư dân Phú Thuận ra khơi

Ra quân

Cảng biển Thuận An chiều mùng 3 tết, trong nắng nhẹ, pha chút se lạnh, những chuyến xe hối hả, tất bật chở đá ướp hải sản, xăng dầu vào, ra cung ứng cho tàu cá chuẩn bị vươn khơi.

Ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận hồ hởi: “Với ngư dân, 3 ngày tết đoàn viên cùng gia đình là quý lắm rồi. Các chủ tàu và ngư dân luôn tranh thủ, tận dụng thời tiết nắng ráo, ngày tốt đầu năm để vươn khơi hái lộc, khởi đầu cho một năm mới cùng mong ước được mùa”.

Lễ vật trước chuyến “xuất quân” đầu năm của các chủ tàu thường có một nải chuối, con gà, đĩa bánh, nén nhang... Sau lễ cúng, tàu nổ máy cho hành trình vươn khơi đầu năm mới.

Theo ông Chiến, sau tết có thể làm lễ “xuất hành” bất cứ ngày nào, nhưng thường là ngày mùng 3, hoặc mùng 4 tết. Một số tàu “xông biển” sớm từ ngày mùng 2 tết. Quan niệm của ngư dân, đây là những ngày tốt có thể đem lại sự may mắn cho một năm “ăn nên làm ra”. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, luồng cá, chuyến biển đầu năm có thể kéo dài hay ngắn ngày, nhưng thường 2-3 ngày, chủ yếu để “lấy may”.

Trong ngày mùng 3 tết, nhiều chủ tàu ở Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải (Phú Vang)... tổ chức lễ “xuất hành”. Ngư dân Trần Dành ở thị trấn Thuận An, chủ chiếc tàu vỏ thép thứ 4 trên địa bàn tỉnh, chia sẻ: “Tàu hạ thủy vào cuối năm vừa rồi, chưa có chuyến biển nào. Sau những ngày tết này tui làm lễ “ra quân” cũng là chuyến biển đầu tiên của tàu”.

Ông Dành khoe: “Chiếc tàu đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 có tổng công suất 830 CV, trị giá 21,5 tỷ đồng. Tết nay tàu có chuyến biển đầu tiên”. Thân tàu dài 28,6m, rộng 7,3m, đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết xấu, vươn đến các ngư trường xa, Hoàng Sa, Trường Sa. Tàu được trang bị ngư cụ hiện đại, máy tầm ngư trị giá 1,6 tỷ đồng, lưới vây dài hơn 1.200m, lưới vây ánh sáng dài hơn 700m, cao 160m...

Ông Dành tự tin: “Chiếc tàu vỏ gỗ cũ mỗi năm có đến 10-12 chuyến biển. Chuyến nào cũng kéo dài 7-10 ngày. Chiếc tàu vỏ thép có công suất lớn gấp đôi, các chuyến biển có thể kéo dài nửa tháng đến cả tháng nên chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn. Mỗi chuyến chỉ cần thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên sẽ không lo chuyện trả nợ vay ngân hàng”.

Ông Trần Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An xác nhận, nhiều tàu tại địa phương đã có chuyến biển đầu năm bắt đầu từ ngày mùng 4 tết. Từ sau ngày này, các tàu trên địa bàn cũng như các xã lân cận đồng loạt “xuất hành” với hy vọng đầu năm đều có lộc biển.

Lộc biển đầu năm

Phấn đấu tổng sản lượng đạt 60.000 tấn

Một số tàu ở Thuận An, Phú Thuận “xông biển” từ ngày mùng 2 tết đã trở về mang theo hàng tạ cá nục, bạc má. Cùng với tàu đánh bắt xa bờ, nhiều thuyền bãi ngang ven biển cũng đã có chuyến đánh bắt gần bờ đầu năm.

Ông Trần Hòa ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải (Phong Điền) phấn khởi: “Thấy trời yên biển lặng, tui đưa thuyền ra biển bủa lưới, chủ yếu “lấy hên” đầu năm. Không ngờ cá lại nhiều đến vậy, ước chừng 10kg cá các loại. Những ngày sau tết, người dân vùng biển thích ăn hải sản nên sản lượng không đủ tiêu thụ, giá rất cao. Nhiều thuyền chỉ đánh bắt 10-20kg, bán được 1,5-3 triệu đồng”.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Phan Khánh nói: “Ngày mùng 3, mùng 4 tết đã có nhiều thuyền “xông biển hái lộc”. Dù hiệu quả không bằng tàu xa bờ nhưng thuyền đánh bắt ven bờ góp phần quan trọng đối với một bộ phận ngư dân vùng biển. Đến mùa cá trích, nục, ngừ, cơm... hầu như ngày nào các thuyền cũng có thu nhập 1 vài triệu đồng.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, “xông biển” đầu năm để “cầu may” trở thành nét truyền thống của ngư dân. Ngay sau những ngày tết, tận dụng thời tiết thuận lợi, ngư dân sẽ cho tàu thuyền khởi hành, vươn khơi. Chuyến biển đầu năm thường chỉ kéo dài vài ngày để kịp đưa hải sản về tiêu thụ trong những ngày sau tết, bởi đây là thời điểm giá cao, tiêu thụ mạnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tổng số tàu xa bờ có công suất trên 90 CV ở Thừa Thiên Huế là 410 chiếc, tăng 52 chiếc so với cuối năm 2016; trong đó tàu 400 CV trở lên có 213 chiếc (có 4 tàu vỏ thép đang hoạt động). Trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.950 chiếc thuyền vùng bãi ngang, đánh bắt ven bờ.

Năm 2018, phấn đấu tổng sản lượng thủy hải sản toàn tỉnh đạt 60 ngàn tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 42 ngàn tấn, tăng 6 ngàn tấn so với năm trước.

Theo Thừa Thiên Huế