Hướng đến trong lành môi trường du lịch

Đeo bám, ăn xin, chèo kéo du khách ở Huế đang trở thành hình ảnh rất khó coi. Dẹp bỏ tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc rốt ráo của các cấp, ngành.

Mượn hoàn cảnh khó khăn

Mới đây, có dịp đưa mấy người bạn từ Hà Nội vào Huế tham quan du lịch, tôi thật sự “xấu hổ” trước cảnh tượng đeo bám, ăn xin và chèo kéo ở mọi chỗ, mọi nơi của nhiều đối tượng. Cà phê sáng tại Trung tâm Festival Huế (số 11 Lê Lợi) cạnh sông Hương, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã có đến chục người mời chào nào là vé số, hàng lưu niệm, kẹo cao su, xin tiền… Buổi chiều ra đường Trịnh Công Sơn “lai rai” cũng có hàng chục người mời chào đậu phụng, kẹo, bánh tráng, vé số, xin tiền… làm tôi và mấy người bạn cảm thấy mỏi mệt. Một người bạn trong nhóm phải thốt lên: Sao ở Huế nhiều người bán hàng rong và ăn xin thế? Họ lại “lì lợm, dai như đỉa” nữa chứ…”.

Quả thật, đến Huế nhiều du khách đã phải ngán ngẩm trước cảnh đeo bám “nhiệt tình” của đội ngũ bán hàng rong, kể cả ăn xin. Họ bất chấp tất cả miễn sao bán được hàng, xin được tiền. Nếu không là cứ bám lấy. Hiện tượng trên xảy ra thường xuyên, nhất là vào thời điểm ngoài giờ hành chính như dùng xe máy và xe đạp để bán hàng rong ở trục đường 23 tháng 8, đường Đoàn Thị Điểm và khu vực Cửa Ngăn, cửa Hiển Nhơn…hay trước các lăng tẩm, chùa chiền, chợ, các tuyến phố đi bộ… tái diễn nạn đeo bám ăn xin, chèo kéo để bán hàng.

Có muôn vàn lý do để các đối tượng sống lang thang, đeo bám. Bùi Văn Đ, một người ăn xin đến từ xã Phong An (Phong Điền) cho biết, do anh trai đã lấy vợ, không cho ở nên ông phải lăn lội đi ăn xin ở nhiều nơi, lấy các chùa làm nơi tá túc qua đêm. Trước đây, ông ăn xin ở Đà Nẵng, nhưng bị đẩy đuổi sau đó về Huế “mưu sinh”, tiếp tục đi ăn xin. Theo ông Đ, ông không có nghề nghiệp gì nên “đành vậy”. Còn bà Lê Thị T (còn gọi là H), trú tại La Khơi Hói (Thủy Bằng, Hương Thủy) đã có nhiều năm đi ăn xin ở Phật đài Quán Thế Âm thì cho biết, do hoàn cảnh nghèo khó, không ai nuôi nên phải đi ăn xin. Trước đây chưa bị đẩy đuổi, bà cũng kiếm được kha khá. Nay, các ngành chức năng làm mạnh, nên bà chỉ ngồi dưới chân đường lên tượng Phật, kiếm ngày vài chục ngàn đồng nuôi thân.

Không riêng gì ông Đ, bà T, những đối tượng ăn xin khi được hỏi vì sao lại phải làm nghề này, họ đều cho rằng hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, nếu bị thu gom,  họ vẫn có cái ăn hoặc được người nhà bảo lãnh cho về. Còn những đối tượng hàng rong (đa phần là trẻ em) thì cũng viện cớ hoàn cảnh khó khăn. Nếu có bị bắt thì sẽ được cha, mẹ bảo lãnh, viết giấy cam đoan rồi lại tiếp tục…hành nghề.

Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Theo ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, xã đã thành lập tổ thu gom, thường xuyên kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng ăn xin, đeo bám du khách tại tượng đài Quán Thế Âm với phương châm “vận động” là chủ yếu, những đối tượng nào cố tình chây ỳ sẽ lập hồ sơ xử lý, đưa vào Trung tâm nuôi dưỡng tại An Hòa. Từ đầu năm đến nay đã lập hồ sơ đưa 3 đối tượng đến trung tâm này. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, các đối tượng có nhà ở gần đó nên khi kiểm tra, họ lại vào nhà, rất khó khăn trong xử lý. Chính vì vậy, tình trạng ăn xin, chèo kéo khách tại đây vẫn còn diễn ra.

Bà Phạm Thị Quỳnh Dao, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Huế cho hay, thời gian qua phòng đã phối hợp với các đơn vị chức năng ra quân kiểm tra, ngăn chặn nạn đeo bám khách du lịch để ăn xin, bán hàng rong tại các điểm có đông du khách, vì vậy tình trạng trên giảm đáng kể, từng bước cải thiện môi trường du lịch trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại khu vực cửa Ngăn; bến xe Nguyễn Hoàng; các tuyến đường Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão và Võ Thị Sáu… Tuy nhiên, đối tượng đeo bám, ăn xin, chèo kéo du khách thường xuyên thay đổi hình thức, phương thức hoạt động để đối phó với các cơ quan chức năng, cho nên tệ nạn này có chiều hướng ngày càng phức tạp. Với địa bàn thành phố tương đối rộng, các địa điểm tham quan phân tán và đối tượng lang thang xin ăn chủ yếu di chuyển từ các huyện đến do đó công tác kiểm tra, rà soát để xác định được địa chỉ cư trú, gia đình thân nhân của đối tượng lang thang, xin ăn rất khó khăn.

Thống kê của TP. Huế, 9 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng của của TP. Huế đã ra quân, kiểm tra nhắc nhở 17 trường hợp, thu gom 50 trường hợp để đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó ăn xin, lang thang cơ nhỡ là 33 người, tâm thần là 17 người. Địa bàn thường xuyên xuất hiện ăn xin, lang thang là chợ Đông Ba, chợ Tây Lộc, chợ An Cựu…

Không chỉ chính quyền, lực lượng bảo vệ di tích không thể xử lý những đối tượng chèo kéo du khách bán hàng và ăn xin ngoài khu vực di tích. Ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trong khuôn viên các điểm di tích thì không có nạn ăn xin hay chèo kéo du khách. Tuy nhiên khu vực nằm ngoài và giáp ranh di tích thì tình trạng trên vẫn còn tồn tại. Để dẹp bỏ rốt ráo vấn nạn này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng của TP.Huế, các thị xã, đặc biệt phải có sự tham gia của lực lượng công an. Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH để xây dựng phương án xử lý nạn ăn xin, lang thang cơ nhỡ, đưa các đối tượng này vào cơ sở nuôi dưỡng, các trung tâm bảo trợ xã hội để họ không có khả năng quay lại con đường cũ.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP.Huế cho biết, trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị khai trương phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu, TP.Huế sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp để giải quyết tình trạng ăn xin, đeo bám, bán hàng rong. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối tượng ăn xin, lang thang, đeo bám du khách để giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh. Khuyến khích người dân cùng tham gia ngăn chặn tình trạng đeo bám khách du lịch thông qua đường dây nóng, mạng xã hội, website…, từ đó các cơ quan chức năng  kịp thời xử lý. Ngoài ra, UBND TP. Huế giao trách nhiệm cho các ban ngành chức năng tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các trường hợp bán hàng rong, bắt chẹt du khách…

Được biết, đầu tháng 7/2017, Sở Du lịch và Công an tỉnh đã ký kết quy chế về việc đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, để quản lý tốt an ninh trật tự tại các điểm tham quan, Sở Du lịch sẽ thông báo với công an về việc cấp, đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch, giấy công nhận khu, điểm tuyến du lịch. Phía công an sẽ phối hợp với ngành du lịch xử lý các hoạt động cò mồi, tranh giành khách, lừa đảo trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cùng với các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng ăn xin, bán hàng rong, đeo bám du khách. Với những giải pháp căn cơ, hy vọng Huế sẽ tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn với du khách đến đây.

Hải Huế