Góp ý Luật Công an Nhân dân: Chính quy công an xã là chủ trương đúng đắn

Phát biểu thảo luận tại hội trường chiều 6/11, thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế, cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Công an Nhân dân sửa đổi. Đồng thời, tham gia một số ý kiến về nhiệm vụ quyền hạn, tổ chức Công an Nhân dân, đặc biệt là vấn đề chính quy công an cấp xã là một chủ trương đúng đắn, hiệu quả.​

Đại biểu Bùi Đức Hạnh phát biểu tại hội trường    Ảnh: HL

Công an xã từng bước trưởng thành, hiệu quả

Thứ nhất là điều 16 nhiệm vụ quyền hạn Công an Nhân dân, về khoản 5, một trong những nội dung kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo quy định pháp luật, theo ông Hạnh quy định như thế là chưa rõ, dễ dẫn đến nhầm lẫn trong triển khai, thực hiện vì hiện nay chưa có luật nào quy định như thế. Trong thực tế việc kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh do hai bộ thực hiện đó là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Bộ Công an đang kiểm soát 11 cảng cửa khẩu sân bay và hai cửa khẩu quốc tế. Bộ Quốc phòng kiểm soát 122 đường bộ, đường sắt và 35 cảng biển. "Tôi đề nghị thể hiện rõ trong luật, thay cụm từ “theo quy định của pháp luật” bằng cụm từ “do Bộ Công an quản lý. Cụ thể viết lại như sau: “Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý”, ông Hạnh nói.

Về điều 17, hệ thống tổ chức Công an Nhân dân, đại biểu Hạnh tham gia vào mục 2 công an xã chính quy và mục 3.

“Tôi cơ bản tán thành, song đây là vấn đề mới rất quan trọng, tôi đề nghị cân nhắc, thận trọng, làm có lộ trình, nên làm điểm, tổng kết, đánh giá trước khi triển khai một cách đại trà. Theo tôi, công an xã hiện nay có vị trí hết sức quan trọng, được hình thành từ ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân đến nay, các đồng chí công an xã trưởng thành từ cơ sở, quan hệ làng bản, xã hội, dân tộc, thân tộc, thông thuộc đường làng ngõ xóm, am hiểu nhân dân trong xã… đó là những lợi thế. Ở địa phương hiện nay, nhiều vụ việc xảy ra không phải lực lượng công an chính quy vào cuộc lại tốt mà chính các lực lượng tại chỗ lại giải quyết có hiệu quả, tốt hơn”- đại biểu Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.

Hiện nay có 1.100 xã dọc biên giới, bờ biển, hải đảo, có hơn 400 đồn biên phòng, đây là lực lượng chuyên trách nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang làm tốt công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của khu vực. Nên để tiết kiệm nguồn lực, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đề nghị không bố trí công an xã chính quy tại các xã này; đồng thời, không đóng những đồn trại công an tại các xã nằm trong danh sách 1.100 xã nói trên. Nội dung này Bộ Quốc phòng đã có ý kiến bằng văn bản gửi cho ban soạn thảo.

Thể hiện rõ các chức danh phong quân hàm trung tướng

Việc điều động công an chính quy về làm trưởng công an xã là một chủ trương đúng đắn.  Trong ảnh: ra mắt công an chính quy cấp xã tại TX. Hương Thủy

Về điều 25, cấp hàm cao nhất đối với sĩ quan Công an Nhân dân, trong khoản C quy định trần mức hàm trung tướng không quá 32, điểm d quy định các chức danh được phong quân hàm thiếu tướng đối với giám đốc công an, đại biểu Bùi Đức Hạnh cơ bản tán thành.

“Đề nghị, để đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ, giảm thiểu các thủ tục hành chính khi làm quy trình phong quân hàm cấp tướng. Đồng thời để tương thích với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị thể hiện rõ các chức danh phong quân hàm trung tướng, thể hiện rõ các tỉnh mà giám đốc công an được phong trung tướng và thể hiện rõ số lượng cấp phó của các cục được phong thiếu tướng mà các cục đó đồng chí cục trưởng được phong quân hàm trung tướng, hay nói cách khác thể hiện các chức danh được phong quân hàm trung tướng vào trong luật cho minh bạch, tương thích giống Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay và giống như Luật Công an nhân dân hiện tại”, đại biểu Hạnh nói.

Về khoảng 3, điều 25 thể hiện Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí được thăng quân hàm trung tướng, thiếu tướng, theo đại biểu chưa phù hợp hiến pháp. Theo hiến pháp, thẩm quyền này thuộc quyền Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quy định thăng hàm trung tướng, thiếu tướng đối với các đơn vị mới thành lập mà được phong quân hàm cấp tướng, nên đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với hiến pháp.

Cuối cùng, đại biểu tán thành thông qua Luật Công an Nhân dân sửa đổi tại kỳ họp này sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung.

Theo dự thảo luật được đưa ra Quốc hội thảo luận chiều 6/11, lực lượng công an có một đại tướng (bộ trưởng Bộ Công an), không quá 6 thượng tướng (các thứ trưởng), không quá 35 trung tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM), không quá 159 thiếu tướng (lãnh đạo một số cục, giám đốc công an 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đô thị loại 1, phó giám đốc công an Hà Nội và TP.HCM). Như vậy, tổng số tướng lĩnh trong lực lượng công an (không kể những người được biệt phái sang các ngành, lĩnh vực khác) tối đa là 201 người. 

Theo Thừa Thiên Huế online