Gian nan những chuyến tuần tra

 

Lênh đênh trên biển, đầm phá truy đuổi phương tiện và người đánh bắt khai thác bằng các phương pháp tận diệt nguồn lợi thủy sản, phá hủy môi trường như giã cào, xung điện…, lực lượng tuần tra luôn phải đối mặt với hiểm nguy.

Lực lượng tuần tra kêu gọi tàu vi phạm dừng lại

Hiểm nguy

9 giờ sáng, tàu của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) mang theo thủy thủ đoàn, lực lượng kiểm ngư, bộ đội biên phòng, do anh Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Pháp chế thanh tra Chi cục BVNLTS làm trưởng đoàn, xuất phát từ đập Thảo Long (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) hướng cửa biển Thuận An rẽ sóng ra khơi, bắt đầu chuyến tuần tra.

Ra cách bờ khoảng 20 hải lý (gần 40 km), con tàu chạy dọc về vùng biển Lăng Cô (thị trấn Phú Lộc). Sau 2 giờ đồng hồ trên biển, lực lượng tuần tra phát hiện đôi tàu đang hoạt động đánh bắt giã cào trái phép trên vùng biển gần bờ thuộc địa phận xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc). Con tàu quay mũi vào, tăng tốc để tiếp cận tàu vi phạm một cách nhanh nhất. Đây là chiến thuật mới, chạy ra xa bờ rồi ập vào, khiến tàu vi phạm bất ngờ, không thể tháo chạy.

Đôi tàu giã cào bị “bắt quả tang”, sau phút hoảng hốt định bỏ chạy, nhưng không kịp. Lực lượng tuần tra áp sát, sang tàu vi phạm, yêu cầu họ dừng lại, kéo lưới lên. Mặc dù vậy, ngư dân có hành vi đánh bắt vi phạm vẫn “cãi chày cãi cối”. Một số người trong tay cầm dao nhọn, vỏ chai thủy tinh, vẻ mặt căng thẳng. Giữ khoảng cách an toàn, liên tục quan sát để chủ động xử lý tình huống xấu, khống chế hành vi tiêu cực, lực lượng tuần tra vừa xác định tọa độ, đưa ra hình ảnh đã quay, chụp được, chứng minh hành vi vi phạm.

Mất vài giờ đồng hồ, ngư dân vi phạm mới “tâm phục khẩu phục”, ký vào biên bản. Hai chiếc tàu được dòng dây, theo tàu tuần tra cập bờ, thực hiện các thủ tục, nộp phạt theo quy định. Những ngư dân bị bắt quả tang đánh bắt vi phạm hôm đó "thú nhận" bị bất ngờ, cứ “nhầm” tàu tuần tra là tàu ngư dân trở về sau chuyến khai thác trên biển.

Thế nhưng, nụ cười của những người thường xuyên lênh đênh trên biển, đầm phá tuần tra, giữ cho môi trường bình yên để muôn loài thủy hải sản được sinh sôi nảy nở, lại nhiều suy tư, trăn trở. Anh Nguyễn Văn Bôn kể, trong các chuyến tuần tra, không ít lần các anh “đối mặt” với gian nan, nhiều tình huống hiểm nguy, bởi sự chống đối, chống trả quyết liệt của người vi phạm.

“Có những chuyến từ khi tiếp cận, đến lúc anh em lên được tàu vi phạm phải mất 2-3 giờ đồng hồ. Đó là những lần sóng lớn, người vi phạm lại cố tình tránh né, cản trở. Khi lên được tàu, anh em phải hết sức thận trọng bởi lực lượng “mỏng”, ngư dân lại đông và sức vóc lực lưỡng. Trên tàu luôn có các vật dụng sử dụng trong đánh bắt, sinh hoạt như dao nhọn để cắt lưới, vỏ chai thủy tinh (vỏ bia, nước khoáng), đá… có thể biến thành hung khí nguy hiểm khi người vi phạm kích động, chống trả. Nhiều khi, tàu vi phạm còn gọi những tàu “bạn” đến bao vây, tấn công lực lượng tuần tra.

Thuyền trưởng Nguyễn Minh, boong trưởng Đào Xuân Tấn, thuyền trưởng ca nô Võ Tuấn…, những người theo “nghề” lênh đênh tuần tra trên dưới 20 năm nay chia sẻ, trong tình huống tàu tuần tra chỉ một mình trên biển mênh mông, giữa “vòng vây” những chiếc tàu lớn của những người bất chấp quy định pháp luật, dù có lão luyện kinh nghiệm thì vẫn không thể không lo ngại. Có trường hợp tàu vi phạm cố tình đâm va mạnh, khiến một cán bộ bất ngờ bị hất xuống biển, sém chút mất mạng. Hoặc trên đầm phá giữa đêm khuya, người vi phạm điều khiển cu le (một loại thuyền nhẹ cơ động trên địa bàn đầm phá) công suất mạnh, có thể tông vào thuyền lực lượng tuần tra, người có thể bị hất rơi xuống nước…

Anh D., một chủ tàu ở thị trấn Thuận An và mấy bạn nghề tỏ vẻ ngại ngùng, áy náy: "Biết đánh bắt bằng giã cào trái phép là sai, nhưng vì miếng cơm manh áo, nên vẫn liều mà "nhắm mắt". Vì biết sai nên khi đi khai thác, tụi tui tìm cách tránh né, bị lực lượng tuần tra phát hiện thì cũng đành tìm cách mà... chạy trốn thôi. Tụi tui tính từ từ  rồi cũng bỏ nghề này, chứ theo riết thì đúng là biển "vắng" cá, tôm.  

Nặng lòng

Mỗi chuyến tuần tra, anh em trong đoàn ai nấy đều căng như dây đàn. Từ chuẩn bị các phương án, chiến thuật để có thể bắt quả tang hành vi vi phạm, không để người vi phạm dong tàu chạy mất, đến vững vàng trên biển, trên phá cả về kiến thức chuyên môn, sức khỏe, tinh thần, ý chí.

Anh Nguyễn Văn Bôn chia sẻ, những chuyến đầu tiên ròng rã mấy ngày liền trên biển, nhiều người say sóng “ngật ngưỡng”, mệt lả người. Có người không trụ được phải chuyển công tác khác. Thế nhưng nghĩ đến nguồn lợi thủy sản trước hành vi khai thác trái phép đe dọa tận diệt đang “kêu cứu”, môi trường biển, đầm phá bị phá hủy, đa số anh em đều nặng lòng nên vẫn mải miết lênh đênh cùng những chuyến tuần tra bất kể ngày đêm, gian nan hay nguy hiểm.

Cũng vì hai chữ “nặng lòng” mà có lúc các anh chấp nhận “thua”. Đó là lần bắt quả tang tàu giã cào Quảng Ngãi đánh bắt vi phạm ở vùng biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang). “Ngư tặc” chống đối nên sau 3 giờ đồng hồ, lực lượng tuần tra mới lên được tàu vi phạm. Bất ngờ, thuyền trưởng tàu này nhảy xuống biển, lặn núp bên dưới tàu. Anh em dùng loa kêu gọi, thuyết phục, nhưng người này vẫn cố thủ, không chịu lên. Thời gian nặng nề trôi qua. Chiều, giông tố bắt đầu nổi lên. Thêm nữa, sắc mặt người này đỏ, thân thể béo mập, sợ ông ta mang căn bệnh huyết áp cao, sẽ nguy hiểm khi dầm mình lâu dưới nước trong thời tiết dông gió.

“Vì mưu sinh, vì ham cái lợi trước mắt mà nhiều ngư dân bất chấp để thực hiện hành vi đánh bắt tận diệt nguồn lợi, phá hủy môi trường. Thế nhưng, chúng tôi không thể “bất chấp” sức khỏe, an nguy đến tính mạng của người dân. Rồi sau có thể dần dần tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật hoặc sử dụng chế tài bằng xử phạt, nhưng trước mắt phải đảm bảo an toàn cho họ. Vậy nên biết là "thua”, nhưng anh em đành gọi xin ý kiến cấp trên để rút lui, không thể kéo tàu vi phạm về”.

Anh Bôn trải lòng, không chỉ sức khỏe, tính mạng mà tài sản lớn của ngư dân vi phạm cũng được các anh đảm bảo, không để xảy ra thiệt hại. “Ngư dân đánh bắt bằng lưới vây là có giàn đèn. Nếu sóng to, chúng tôi chấp nhận không cập vào tàu họ. Bởi tàu mình cao hơn, lúc nghiêng vào có thể làm vỡ giàn đèn, tài sản lớn của họ sẽ thiệt hại”. Người dân đôi khi vì mưu sinh khó khăn mà vi phạm, nhất là những người sử dụng xung điện, rà điện đánh bắt trên đầm phá, những lần tiếp cận, các anh không quên “rỉ rả” tuyên truyền. “Qua công tác khảo sát, mỗi lần có địa phương giảm số người đánh bắt vi phạm, là các anh có thêm niềm vui…”.

Theo Quỳnh Anh/ Báo Thừa Thiên Huế