Dự kiến mở rộng khai quật gò Dương Xuân

Việc mở rộng này dự kiến thực hiện vào năm 2018 để tìm hiểu thêm diện phân bố, quy mô móng đá xếp, nghiên cứu kỹ công năng của kiến trúc.

Hố số 5, nơi đã phát hiện kiến trúc đá lớn trong quá trình thám sát vào cuối năm 2016 sẽ được tiếp tục mở rộng khai quật trên diện tích lớn

Nhiều phát hiện quan trọng

Tại gò Dương Xuân, đoạn gần chùa Thuyền Lâm và chùa Vạn Phước (địa điểm mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, là nơi tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và là nơi chôn cất thi hài của vua sau khi băng hà), trong đợt khai quật vào cuối năm 2016, các chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh, Khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học–ĐH Huế đã mở 5 hố thám sát với tổng diện tích gần 24m2. Từ 5 hố này, các chuyên gia phát hiện nhiều di tích, hiện vật và kiến trúc. Trong đó, phát hiện ba cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng, cùng một chum sành bị vỡ có khả năng của một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành; một di tích nền hoặc móng bằng cát, sỏi có thể liên quan đến nền móng của kiến trúc hoặc lớp tạo mặt bằng kê chân đá tảng, là chân cột trong kiến trúc. Cùng với đó, hàng trăm hiện vật bằng đồng, sắt, sứ, sành, đất nung, ngói, thủy tinh, vôi vữa, xương, vỏ sò cũng được tìm thấy. Nhiều nhất là hiện vật gốm sứ (337 mảnh).

Một trong những phát hiện quan trọng nhất là kiến trúc đá có chiều rộng hơn 5,5m, dày 0,6-0,65m, các viên đá xếp chồng lên nhau, có hai điểm bắt góc và hiện tượng giật cấp của các lớp đá. Kiến trúc này có thể liên quan đến một kiến trúc lớn, rất có thể là móng của tường hoặc thành.

Từ những gì tìm thấy, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học - phụ trách đợt mở hố thám sát cho rằng, cuộc thăm dò này đã cung cấp những tư liệu quan trọng nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể các di tích, hiện vật thuộc thời kỳ nào, chủ nhân là ai. Vì vậy, kiến nghị tiếp tục mở rộng khai quật.

Phát hiện kiến trúc đá tại gò Dương Xuân trong đợt khai quật cuối năm 2016

Xin ý kiến mở rộng khai quật

Theo báo cáo kế hoạch từ Viện Khảo cổ học, trước khi tiến hành đợt khảo cổ tiếp theo, đoàn khảo cổ đề nghị UBND TP. Huế tiến hành công tác giải phóng mặt bằng một số điểm nhà dân và các công trình ngầm như điện, nước tại khu dân cư Bình An (phường Trường An) với diện tích khoảng 300m2. Công tác di dời, đền bù các hộ dân nằm trong vùng dự kiến khai quật dự kiến tiến hành từ nay đến hết quý 1/2018.

Diện tích dự kiến khai quật là 300m2, trong đó điểm khai quật chính là mở rộng với diện tích 200m2 đối với hố thăm dò số 5 (H5-2016) - nơi đã phát hiện một bức tường đá hồi tháng 10/2016. Từ hố khai quật số 5 này, sẽ mở rộng khai quật theo hướng chùa Thiền Lâm, với khoảng cách 50m. Ngoài ra sẽ khai quật thêm bốn khu vực khác dự kiến gồm cồn Bông Sứ (25m2), giếng loạn (25m2), khu vực mộ trước chùa Vạn Phước (25m2), hồ bán nguyệt (25m2). Dự kiến, cuộc khai quật sẽ tiến hành trong quý 2/2018, trong thời gian khoảng 90 ngày. PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục đảm trách vai trò phụ trách trong đợt mở rộng khai quật.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao cho biết, việc mở rộng khai quật gò Dương Xuân thời gian đến là vấn đề phức tạp, khó khăn và cần phải tiến hành từng bước. Vấn đề này, UBND tỉnh đã giao cho sở phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành lên kế hoạch, tiến độ cụ thể liên quan đến quy trình khai quật.

Việc mở rộng khai quật cũng liên quan đến một số nhà dân mà họ đang sở hữu đất đai, nhà cửa nên cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng, phối hợp với UBND TP. Huế và phường Trường An để có kế hoạch đền bù, di chuyển. “Hiện, kế hoạch đang được triển khai. Sau đó, sở sẽ trình UBND tỉnh để tiến hành các thủ tục liên quan, xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép khai quật khảo cổ học”, ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, song song với việc mở rộng khai quật, sẽ có phương án trưng bày các hiện vật đã phát hiện vào đợt mở hố thám sát lần trước để giới thiệu đến công chúng, phục vụ cho phát triển du lịch.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH