Đóng xuồng vượt lũ

Một thời đi vào “ngõ cụt”, tưởng chừng nghề đóng thuyền ở phường Phú Bình (TP. Huế) có nguy cơ thất truyền thì nghề đóng xuồng “vượt lũ ra đời” khi nhu cầu mua sắm của người dân rất nhiều để dùng làm phương tiện qua lại trong mùa lũ lụt.

 

Anh Nguyễn Văn Tuấn đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng của một chiếc xuồng

Cuộc “thương lượng” giữa chủ cơ sở đóng xuồng Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 8, phường Phú Bình (TP. Huế) và một khách hàng ở xã Quảng An (Quảng Điền) diễn ra khá rôm rả, cởi mở nhưng rất chóng vánh, chỉ chừng vài phút. Có lẽ giá cả đã được vị khách hàng này tham khảo từ trước, khi anh Tuấn ra giá, tất nhiên là không nói thách nên việc giao dịch nhanh chóng đạt thỏa thuận. Chiếc xuồng dài chừng 15 mét, rộng 1,5 mét với giá 20 triệu đồng sau khi được bàn giao cho khách hàng, liền đưa xuống bến sông Hương- nơi có một chiếc đò gắn máy đang đợi sẵn để “lai” về Quảng An.

“Đóng được một chiếc xuồng mới lâu, chứ bán thì mau lắm! Các anh vừa thấy đó! Một chiếc xuồng đóng xong, có thể hạ thủy phải mất vài ngày nhưng bán thì chỉ vài phút thôi!”, anh Tuấn tự tin. Vừa tiếp chuyện với chúng tôi, anh Tuấn cùng với những người thợ của mình tranh thủ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của một chiếc xuồng để kịp bàn giao cho khách hàng khác đang đợi vì dự báo mưa lũ đang đến rất gần. Công việc đóng xuồng tuy lai rai quanh năm nhưng thường “dồn” vào mùa mưa lũ. Năm nay lũ đến muộn nên khách hàng cũng thuê đóng xuồng khá muộn. Vào thời điểm này của nhiều năm trước mưa lũ triền miên, các chủ cơ sở và thợ đóng xuồng thường “ngồi chơi xơi nước” nhưng năm nay thì công việc vẫn đang tất bật.

Những chiếc xuồng đã hoàn thiện

“Vào mùa nắng, các chủ cơ sở đóng xuồng tranh thủ mua gỗ phơi khô và các vật liệu chuẩn bị sẵn, cũng từ thời điểm này bắt đầu nhận đơn đặt hàng lai rai cho đến đầu mùa mưa lũ. Vừa nhận đơn đặt hàng, các chủ cơ sở vừa triển khai đóng xuồng nên sớm bàn giao cho khách hàng theo thỏa thuận. Tuy nhiên cũng có một số khách hàng chủ quan đặt muộn nên phải nhận xuồng khi lũ cận kề. Với những trường hợp yêu cầu phải đóng gấp rút vào thời điểm mưa lũ cận kề, những người thợ phải tranh thủ làm đêm, khách hàng sẵn sàng chấp nhận giá chiếc xuồng có tăng đôi chút”, anh Tuấn nói.

Tùy thuộc vào kích thước, giá mỗi chiếc xuồng loại nhỏ nhất khoảng 5 triệu đồng, cao nhất chừng 20 triệu đồng, nhưng phổ biến là loại 10-20 triệu đồng. Loại này thường có kích thước dài từ 10-15m, rộng 1-1,5m, có thể gắn được các loại máy công suất nhỏ, an toàn, thuận tiện cho việc qua lại trong khu vực dân cư, đường sá bị ngập lụt. Tùy vào thời điểm, số lượng xuồng đóng được nhiều hay ít nhưng theo các chủ cơ sở đóng xuồng ở Phú Bình thì bình quân mỗi tháng một cơ sở thường đóng và bán 10-15 chiếc, sau khi trừ chi phí vật liệu, công thợ còn lãi từ 30-45 triệu đồng.

Xuồng “vượt lũ”

Khi chúng tôi nhắc đến chuyện cơ sở hiện nay chỉ đóng xuồng phục vụ qua lại cho mùa mưa lũ, anh Phong và chủ cơ sở đóng xuồng Nguyễn Thanh Sơn ở tổ 8, phường Phú Bình vừa vui vừa pha chút trầm tư. Vui vì nghề đóng xuồng “vượt lũ” bỗng “ăn nên làm ra”, còn chút nỗi niềm vì nghề đóng thuyền rồng một thời của cha ông giờ đây dường như mai một. Các nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Lựu, Nguyễn Văn Lai hay những người gắn bó, tâm huyết với nghề đóng thuyền rồng chưa kịp truyền hết “bí quyết” cho thế hệ sau đến nay đã qua đời. Ông Nguyễn Thanh Sơn nói: “Phần chưa kịp truyền nghề, phần vì các thế hệ sau không mấy mặn mà với nghề đóng thuyền rồng, bởi đây là nghề khó, đòi hỏi sự công phu, kỳ công, điêu luyện nhưng thu nhập lại không cao, bấp bênh. Trong khi nghề đóng thuyền rồng lâm vào “ngõ cụt” thì một nghề mới-đóng xuồng “vượt lũ” ra đời cũng dựa trên nền tảng kỹ thuật nghề đóng thuyền. Vừa đóng mới, vừa sửa chữa xuồng “vượt lũ”, mỗi thợ bình quân kiếm được 6-7 triệu đồng/tháng là nguồn thu nhập khá, ổn định đối với họ”.

Ông Sơn cho rằng, các công đoạn đóng xuồng “vượt lũ” đơn giản hơn nhiều so với đóng thuyền rồng hay đò, thuyền đánh cá. Trong khi đóng chiếc thuyền rồng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ, điêu luyện, tinh xảo... thì việc đóng chiếc xuồng chỉ cần đẹp, chắc chắn, bền là được. Hầu hết các người thợ đóng thuyền rồng đều có tay nghề cao nên khi chuyển sang đóng xuồng “vượt lũ” rất dễ dàng, thuận lợi. Một chiếc xuồng chỉ cần 2-3 người thợ sẽ đóng hoàn tất trong vòng 2-3 ngày.

Xuồng “vượt lũ” một thời hoàn toàn được đóng bằng vật liệu gỗ, từ tè xuồng, tiếp xuồng, mạn xuồng đến đáy xuồng đều bằng gỗ. Ngay ở các lỗ khoan cũng dùng dây mây để thít, các tấm ván được ghép với nhau bằng nêm tre, hoặc gỗ nên độ bền không cao lại tốn nhiều công sức, chi phí. Càng về sau được cải tiến, đáy xuồng dần thay thế bằng vật liệu nhôm. Từ 3 năm nay giá gỗ rất cao, lại khan hiếm, hầu hết đáy xuồng đều làm bằng nhôm không chỉ độ bền cao mà giá cả thấp hơn nhiều so với gỗ, phù hợp với một phận người dân nông thôn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, trong điều kiện ngập sâu trên diện rộng, các phương tiện xe cơ giới không thể lưu thông, đi lại thì chiếc xuồng là phương tiện quan trọng đối với người dân vùng lũ. Hằng năm trước khi mùa mưa lũ đến, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động các hộ gia đình mua sắm, trang bị chiếc xuồng phục vụ đi lại, vận chuyển đồ đạc trong mùa mưa lũ. Sau khi lũ đi qua, xuồng còn là phương tiện dùng để bủa lưới, câu cá, cải thiện đời sống, tăng thu nhập đối với nhiều hộ dân...

Sự ăn nên làm ra đối với 4 chủ cơ sở và những người thợ đóng xuồng ở phường Phú Bình một phần là nhờ nhu cầu sử dụng xuồng hiện nay rất lớn. Vào mùa lũ, những chiếc xuyền gần như là phương tiện duy nhất, không thể thiếu, bởi “đặc tính” nhỏ gọn, dễ dàng qua lại trong khu dân cư, trên những tuyến đường ngập lũ. Nhiều năm kinh nghiệm đóng xuồng, thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng, ông Sơn tỏ ra am hiểu về đời sống của người dân vùng sông nước, thấp trũng: “Chiếc xuồng sau khi phục vụ trong mùa mưa lũ còn là phương tiện làm nghề chài lưới, mưu sinh của người dân. Nhiều năm trước đây người dân thường dùng vật liệu tre, phao, thân cây chuối... để kết bè chèo chống qua lại trong mùa mưa lũ, nhưng không an toàn, bất tiện nên chuyển sang sử dụng bằng xuồng”.

Giờ đây, về các vùng sông nước, thấp trũng ở nông thôn, kể cả nhiều nơi trên địa bàn TP. Huế và huyện miền núi A Lưới, nhiều gia đình đã mua sắm cho mình một chiếc xuồng phục vụ đi lại trong mùa mưa lũ và đánh bắt cá, tôm trên sông, suối. Đôi khi xuồng còn giúp người dân vận chuyển lúa khi không may thu hoạch gặp mưa lũ.

“Điều mà các chủ cơ sở đóng xuồng vui mừng là hiện nay nhu cầu đóng xuồng “vượt lũ” và sửa chữa đò, thuyền rồng khá lớn, không chỉ trong tỉnh mà cả các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình... cũng đến đặt hàng. Một số chủ thuyền rồng du lịch ở các tỉnh còn đến cơ sở chúng tôi để được tư vấn, hoặc mời đến sửa chữa mỗi khi đầu thuyền (phần rồng) hư hỏng”, anh Nguyễn Văn Tuấn nói.

Theo Thừa Thiên Huế online