Điều chỉnh giờ làm việc: Vì lợi ích chung

Việc điều chỉnh khung giờ làm việc vừa được UBND tỉnh thông qua sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhận được sự quan tâm của dư luận.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ kiểm tra công tác kỷ cương, kỷ luật hành chính tại xã Lộc Bổn, Phú Lộc

Đổi giờ học, giờ làm khoa học, hợp lý

Toàn tỉnh hiện có 1,150 triệu dân, trong đó có hơn 50% dân số sống ở đô thị. Có 46 trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp, cơ sở dạy nghề với trên 75 nghìn giáo viên, học sinh, sinh viên, học viên; 593 trường từ mầm non đến THPT với 270 nghìn giáo viên, học sinh; 28.156 CCVC&NLĐ tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể; hơn 93 nghìn người lao động tại các doanh nghiệp và gần 265 nghìn người lao động tự do.  Toàn tỉnh hiện có hơn 472 nghìn mô tô, xe máy, gần 5 nghìn ô tô. Ngoài ra, có một lượng lớn xe máy điện, xe đạp và lượng phương tiện từ địa phương khác đến. Ba năm gần đây, lượng phương tiện xe máy và ô tô tăng 275%.

Trên cơ sở lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và tình hình thực tế về nhu cầu sinh hoạt, đảm bảo phân luồng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa ký công văn thông báo việc thay đổi giờ làm việc. Theo đó, bắt đầu từ 5/9, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC&NLĐ) đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, các cơ quan Đảng và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng giờ làm việc mới theo quy định của UBND tỉnh. Cụ thể, thời gian làm việc mới buổi sáng bắt đầu từ 07h30 - 11h30; buổi chiều từ 13h00 - 17h00. Trước đây từ 7h-11h cho buổi sáng và từ 13h30-17h30 cho buổi chiều.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tổ chức làm việc buổi sáng ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cũng áp dụng thời giờ làm việc trên. Quy định thời giờ làm việc đối với CBCCVC&NLĐ đang công tác tại các cơ sở giáo dục gồm các trường: THPT, THCS, tiểu học, mầm non; các cơ sở khám, chữa bệnh công lập của địa phương không thay đổi (vẫn theo khung giờ cũ). Thời giờ làm việc của các cơ quan Trung ương, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức kinh tế do các cơ quan qui định.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án Điều chỉnh giờ làm việc trên địa bàn tỉnh cho biết, xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh, số lượng người dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến TP. Huế học tập, công tác, du lịch… ngày càng nhiều gây áp lực cho giao thông đô thị. Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, trong khi phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tạo được sự thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông vào một số giờ cao điểm tại khu vực đô thị. Do đó, việc điều chỉnh giờ làm việc sẽ hạn chế nạn ùn tắc giao thông, giúp cải thiện sức khỏe, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, kỷ cương làm việc và tiết kiệm năng lượng cho CBCCVC&NLĐ.

Lợi đủ đường

Qua khảo sát cho thấy, đại đa số học sinh ở cấp học mầm non và tiểu học thường có phụ huynh đưa đón; số học sinh bậc THCS có đến 60-70% phụ huynh đưa đón và thời gian vào học từ 7h-7h30, buổi chiều kết thúc từ 16h30-17h. Chị Đặng Thị Thu Trang (phường Trường An, TP. Huế), một công chức làm việc nhà nước có 2 con đang học tiểu học và THCS cho biết, các con của chị hằng ngày đi học đều phải đưa đón. Do đó, vào làm việc từ 7h30 sáng sẽ tạo điều kiện cho phụ huynh chăm sóc, đưa đón các con được tốt hơn và có thời gian để giải quyết một số công việc xã hội trước giờ làm. “Nếu thực hiện thời gian đi làm muộn hơn so với thời gian của học sinh thì gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng để lo cho con ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường”- chị Thu Trang nói.

Anh Hoàng Kim Đoàn, công chức tại TP. Huế cho biết, việc thay đổi giờ làm rất phù hợp và lợi ích. Thứ nhất là thuận lợi về giao thông. Nếu bắt đầu giờ học, giờ làm từ 7h30 thì mọi người trong gia đình có đủ thời gian để chở con đi học, đi làm cùng lúc tiết kiệm thời gian, chi phí. “Nếu làm việc muộn hơn thì nhu cầu giao lưu bạn bè, giải quyết công việc cá nhân được giải quyết trước giờ làm việc. Như vậy, thời gian làm việc ở cơ quan sẽ được công chức, viên chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn”- anh Đoàn cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, việc thay đổi giờ làm là một nỗ lực rất lớn của tỉnh, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và phục vụ lợi ích của đa số người dân. Qua đó, góp phần giảm và giãn áp lực về người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đương khu vực nội thành và ven đô trong các khung giờ cao điểm; tạo điều kiện thuận lợi cho CBCCVC&NLĐ, học sinh, sinh viên nâng cao hiệu quả lao động, học tập và công tác. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có văn bản thông báo thời giờ làm việc của đơn vị về UBND tỉnh, UBND TP. Huế, các thị xã và các huyện để đảm bảo thống nhất trong công tác điều hành giao thông và quản lý trên địa bàn.

Ngoài quy định giờ làm việc cho cán bộ, công chức, các khung giờ học tập được tính như sau: Khối đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề: tiết học đầu tiên buổi sáng lúc 7h-7h30 và tiết học cuối cùng kết thúc lúc 16h-16h45; khối trường mầm non, tiểu học: có khung giờ lần lượt là 7h-7h30 và kết thúc 16h30-17h, các trường bố trí giáo viên, cán bộ tiếp nhận học sinh từ 6h45 và quản lý học sinh đến 17h15 hằng ngày; các trường THCS bắt đầu học 7h và buổi chiều kết thúc 16h30-17h; các trường THPT bắt đầu từ 7h-11h15 vào buổi sáng và buổi chiều bắt đầu từ 12h45, kết thúc 17h. Đây được cho là những khung giờ phù hợp, góp phần giảm ách tắc giao thông.

 

Theo báo Thừa Thiên Huế