Đề xuất phương án sát nhập các trạm thu phí khu vực hầm Hải Vân

 

Việc sát nhập các trạm thu phí sẽ giảm bớt một trạm thu phí gần hầm đường bộ Hải Vân và giảm chi phí xây dựng thêm trạm mới. Đồng thời, các phương tiện sẽ có sự lựa chọn hơn khi lưu thông trên đèo Hải Vân sẽ không mất phí.

 Trạm thu phí Bắc Hải Vân (Công ty CP Phước Tượng- Phú Gia BOT)

Liên quan đến việc đề xuất sát nhập các trạm thu phí, ông Lê Công Diễn - Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin, đối với dự án BOT trên Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh, ngành giao thông tỉnh có chức năng trong việc quản lý. Riêng dự án BOT Phước Tượng- Phú Gia, ngành giao thông tỉnh chỉ phối hợp.

Theo ông Diễn, khi tiến hành đặt trạm thu phí Bắc Hải Vân (nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc) thuộc Công ty CP Phước Tượng- Phú Gia BOT, thì dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư) vẫn chưa hình thành. Sau khi hình thành đã nảy sinh thêm một trạm thu phí trên địa bàn nữa cũng như vấn đề khoảng cách với trạm Bắc Hải Vân. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT tham mưu và cũng tiến hành nhiều cuộc họp để đưa ra các phương án giúp tỉnh tham mưu cho Bộ GTVT.

Theo đó, nguyên tắc cương quyết của UBND tỉnh là trên địa bàn tỉnh hiện nay không thể đặt thêm trạm thu phí. Do đó, UBND tỉnh đã tham mưu cho Bộ GTVT tạo điều kiện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả mua luôn Dự án BOT Phước Tượng- Phú Gia để nhà đầu tư này tiến hành thu phí một điểm; hoặc chiều xe đi từ Bắc vào vẫn để trạm thu phí Bắc Hải Vân tiến hành thu phí và chiều ra do trạm của Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 thu phí và sau đó chia theo tỷ lệ vốn có.

Tuy nhiên, khi trình các phương án này lên Bộ GTVT vẫn chưa quyết. “Nhìn chung, tinh thần của tỉnh do ảnh hưởng vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây- Lăng Cô, các nhà đầu tư tại đây cũng yêu cầu trạm thuộc dự án BOT Phước Tượng- Phú Gia đặt về lại hai cửa hầm. Nếu phương tiện đi qua hầm phải trả phí, còn không thì chọn đi đường đèo. Hiện nay, vấn đề này đang được Bộ GTVT xem xét”, ông Diễn cho hay.

Trước đó, cuối tháng 3/2018, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ phương án tổ chức lại các trạm thu phí khu vực hầm Hải Vân. Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu giá hoàn vốn dự án hạng mục hầm Hải Vân 2 và hầm Phước Tượng- Phú Gia.

Hiện trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí cho dự án BOT Phước Tượng- Phú Gia, còn trạm Nam Hải Vân (chưa xây dựng) dự kiến sẽ thu phí hạng mục hầm Hải Vân 2. Khi đó, sẽ nảy sinh nhiều bất cập khi trạm dự kiến xây dựng này chỉ cách trạm thu phí Bắc Hải Vân trên 10 km. Các phương tiện đến trước hầm Hải Vân phải trả tiền phí lưu thông qua hầm, sau khi ra khỏi hầm lại tiếp tục trả phí cho dự án BOT Phước Tượng- Phú Gia. Theo Bộ GTVT, ưu điểm của phương án sát nhập các trạm trên sẽ giảm bớt một trạm thu phí gần hầm Hải Vân và giảm chi phí xây dựng thêm trạm mới. Đồng thời, do trạm Bắc Hải Vân được đặt trên tuyến đường dẫn từ phía Bắc vào hầm Hải Vân nên các phương tiện sẽ có sự lựa chọn hơn khi lưu thông trên đèo Hải Vân sẽ không mất phí.

Liên quan đến giá vé qua 2 trạm thu phí BOT trên địa bàn tỉnh là trạm thu phí Bắc Hải Vân (Công ty CP Phước Tượng- Phú Gia BOT) và trạm thu phí Phú Bài (Công ty TNHH Trùng Phương), thời gian qua, cũng đã có nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) có văn bản kiến nghị các cơ quan hữu quan giảm giá vé qua 2 trạm này. Tình trạng các trạm chưa giảm giá vé theo lộ trình của Bộ GTVT, khiến các DNVT gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, khó cạnh tranh về chi phí vận tải đối với các đơn vị khác.

Theo Thừa Thiên Huế