Dầu tràm Huế trước thực trạng hàng giả, kém chất lượng

Thực trạng tinh dầu tràm kém chất lượng, hàng giả, hàng pha trộn hóa chất đang trà trộn, khiến uy tín của tinh dầu tràm Huế bị ảnh hưởng, nhiều khách hàng dè dặt và e ngại.

 

Ông Mai Đình Hưng giới thiệu về quy trình chiết xuất tinh dầu tràm nguyên chất

Thật giả lẫn lộn

Tại làng nghề truyền thống dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc), địa phương nổi tiếng với lịch sử nghề nấu tinh dầu tràm cũng không tránh khỏi thực trạng báo động hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ghé thăm cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Thanh Tùng (Dì Mến) trên Quốc lộ 1A, xã Lộc Thủy, ông Đỗ Danh (61 tuổi) nói: “Tôi là đời thứ 3 trong gia đình làm nghề truyền thống nấu tinh dầu tràm. Hồi trước, có vài hộ nấu dầu tràm, nay nhiều gia đình làm theo. Để có lãi nhiều, không ít cơ sở sản xuất dầu tràm đã pha trộn hóa chất hoặc nhập ở đâu đó về bán, ảnh hưởng không tốt đến uy tín dầu tràm chính hiệu.

Về tình trạng phá giá của hàng kém chất lượng, người dân cho biết, để làm ra một lít dầu cần hơn 1 tạ nguyên liệu và nấu trong khoảng 4-5 giờ. Tùy vào giá nguyên liệu từng thời điểm, 1 lít tinh dầu tràm có giá từ 1,6-1,8 triệu đồng. Trong khi đó, một số loại tinh dầu được bán chỉ với giá khoảng 300-500 nghìn đồng/1lít.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy thông tin: Hiện nay địa phương đang động viên và khuyến khích các hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) chú trọng vào chất lượng sản phẩm; không được pha trộn hóa chất làm mất uy tín thương hiệu dầu tràm Lộc Thủy. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành và có biện pháp xử lý quyết liệt để chấn chỉnh tình hình, ổn định hoạt động SXKD kinh doanh tinh dầu tràm trên địa bàn.

Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HTX Dầu tràm Lộc Thủy. Với 25 thành viên tham gia, các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng nhãn hiệu tập thể đều phải tuân theo quy chế hoạt động của HTX. Chất lượng sản phẩm cũng đạt theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã được ban hành.

Tại cơ sở chế biến dầu tràm Thanh Bình, thành viên của HTX Dầu tràm Lộc Thủy, ông Mai Đình Hưng cho biết: Chúng tôi khi đã tham gia vào HTX, mọi hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh đều theo quy chế của HTX, luôn được giám sát từ các khâu sản xuất đến chế biến. Bởi theo quy chuẩn đạt được của sản phẩm nên giá thành bán ra luôn cao hơn so với những cơ sở không phải là thành viên của HTX.

Được biết, Công an huyện Phú Lộc từng lập biên bản thu giữ hơn 1.700 chai dầu tràm chứa dung dịch màu vàng, trắng,  không rõ nguồn gốc xuất xứ tại điểm kinh doanh dầu tràm của bà Nguyễn Thị Mỹ Hoa (trú thôn Phước Hưng, xã Lộc Thủy). Theo bà Hoa khai nhận, đã mua số dung dịch trên ở chợ Đông Ba với giá khoảng 130.000 đồng/lít rồi đưa về sang chiết thành nhiều chai nhỏ sau đó dán nhãn mác “dầu tràm nguyên chất”… để bỏ mối cho các quầy tạp hóa và điểm bán dầu tràm sỉ, lẻ dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Lộc Thủy, Lộc Tiến và thị trấn Lăng Cô.

Tháng 5/2018, Công an TP. Huế phát hiện cơ sở SXKD dầu tràm Phước Quy, trú tại 218 Chi Lăng, phường Phú Cát, đã “biến” hàng trăm lít dầu chổi thành dầu tràm để mang ra thị trường tiêu thụ với giá rẻ, không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Đã có Quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Việc Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Phú Lộc công bố Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm tinh dầu tràm Huế là cơ sở pháp lý để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm dầu tràm trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm tinh dầu tràm hiện nay trên địa bàn.

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) đối với dầu tràm Huế, với sự tham gia của Khoa Dược - Trường đại học Y Dược Huế và các đơn vị liên quan.

QCKTĐP đối với sản phẩm dầu tràm Huế được xây dựng dựa trên kết quả phân tích các thành phần lý, hóa có trong tinh dầu tràm theo Quy chuẩn Dược điển Việt Nam IV của Trường đại học Kastard (Thụy Điển), đánh giá của Hội đồng cảm quan dựa theo Tiêu chuẩn Việt Nam 8460:2010, Nghị định 89/2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, quy chuẩn này được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân SXKD các sản phẩm tinh dầu tràm trên địa bàn tỉnh; quy định các tiêu chuẩn về kỹ thuật màu sắc, mùi, vị như: Tinh dầu tràm không màu hay màu lục nhạt đến vàng nhạt, mùi thơm đặc trưng, vị cay dịu đặc trưng của tinh dầu tràm Huế.

Khi đã công bố các quy chuẩn về chất lượng tinh dầu tràm, các tổ chức, cá nhân sản xuất chỉ được đưa ra lưu thông trên thị trường các sản phẩm tinh dầu tràm đã được đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Các sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, ghi nhãn theo quy định của pháp luật. Việc làm này còn giúp tạo lợi thế cạnh tranh giữa những DN, cơ sở đã có giấy đăng ký chất lượng sản phẩm với những DN, cơ sở chưa có giấy công bố chất lượng; tạo được niềm tin, ấn tượng đối với khách hàng; giúp DN, cơ sở dễ dàng tiếp cận khách hàng trong tương lai, cũng như khi tung ra thị trường sản phẩm mới.

Theo Thừa Thiên Huế online