Dấu chân người lính biên phòng

Suốt hành trình đổi thay trên thôn Cù Dù (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), từ ốc đảo heo hút, trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô đều có “dấu chân” của người lính biên phòng.

 

Cùng năm tháng

Đêm dần khuya, những cơn gió đã thôi lao xao khiến cánh rừng bao quanh phía trước khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô càng thêm tĩnh mịch. Thiếu tá Phan Công Tâm, Tổ trưởng tổ công tác địa bàn Cù Dù, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây rời căn phòng của tổ công tác, băng qua những vạt phi lao, bạc hà, qua trảng cát... Xa xa nơi các vọng gác, bóng dáng đồng đội của anh đang làm nhiệm vụ, vững chãi. Khu nghỉ dưỡng xinh đẹp cùng du khách trong và ngoài nước đang say giấc ngủ trong tiếng sóng bình yên.

BĐBP tỉnh tuần tra khu vực biên giới biển địa bàn xã Phong Hải, huyện Phong Điền

Ngày ấy, Cù Dù như một hoang đảo. Trước mặt là rừng, sau lưng là biển, hai bên sông, lạch, “cách sông trở đò”. Dân nghèo từ các xã Vinh Hiền, Lộc Vĩnh, Vinh Hải đến dựng lên 26 nóc nhà, trong điều kiện sống không điện, đường, trường, trạm; mưu sinh bằng nghề làm ruộng, đi rừng, xúc hàu, dùng lưới bắt cua, ghẹ… Họ phải dùng đò, ghe vượt sông Bù Lu lúc cần bán hải sản đánh bắt được.

Ngay sau khi được thành lập, đóng trên địa bàn xã Lộc Vĩnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây bố trí đội công tác địa bàn “nằm” ở thôn Cù Dù, thực hiện nhiệm vụ biên phòng, vừa vận động, giúp đỡ, hỗ trợ người dân về mọi mặt. “Năm 1995, bộ đội biên phòng (BĐBP) phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai chương trình xóa mù cho người dân vùng sâu, vùng xa nhưng do điều kiện giao thông cách trở, chỉ có BĐBP đến dạy chữ cho bà con. Các anh tự soạn giáo án, đứng lớp tất cả các môn theo chương trình bổ túc văn hóa, cho trẻ em từ 7 đến 18 tuổi (dạy đến chương trình lớp 4). Người lớn học để biết mặt chữ, mặt số…”, Trung tá Trần Văn Tuyển, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh hồi tưởng những ngày “cầm phấn” trên thôn Cù Dù.

“Anh em biên phòng vừa dạy vừa học phương pháp sư phạm để truyền đạt kiến thức. Hết một ngày làm việc, sau bữa cơm tối, thầy và trò chụm đầu trong ánh đèn dầu. Những ngày biển động hay mưa gió, bà con không đi làm được, thầy giáo biên phòng tập trung “tăng tốc”. Khi bà con cầm tờ báo đọc được, biết ký tên mình, biết tính số là chúng tôi mừng lắm”, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây nhớ lại.

Năm 2012, khi dự án Laguna bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng, người dân không đồng ý đến nơi ở mới. BĐBP “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phân tích, thuyết phục, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chung tay góp phần vào sự phát triển của quê hương. Dần dần, người dân Cù Dù đã nhận đền bù, di dời, tái định cư.

Bảo vệ sự bình yên

Những thảm cỏ xanh mướt, những lối đi đầy hoa… khiến khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô như một bức tranh tuyệt đẹp. Khi chúng tôi theo trưởng bộ phận an ninh của khu nghỉ dưỡng dạo bước, thỉnh thoảng nam, nữ nhân viên trong đồng phục của công ty dành tặng Thiếu tá Tâm những nụ cười gần gũi. Anh hồ hởi đáp lại bằng những câu thăm hỏi mộc mạc của người trong nhà dành cho nhau. “Đó chính là những người dân thôn Cù Dù ngày trước. BĐBP cùng chính quyền đặt vấn đề với doanh nghiệp ưu tiên đào tạo, sử dụng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là những người đã nhường Cù Dù để xây dựng khu nghỉ dưỡng”, Thiếu tá Tâm chia sẻ.

Không riêng nhân viên là người dân Cù Dù, đối tác người nước ngoài đến đầu tư, quản lý, phát triển khu nghỉ dưỡng cũng dành tặng cho những người lính biên phòng tình cảm đặc biệt vì được BĐBP giúp đỡ, hỗ trợ từ khi dự án Laguna mới sơ khai. Trung tá Trần Văn Tuyển chưa quên những ngày cùng đồng đội theo chân thành viên dự án trèo rừng lội lạch, lang thang khắp “ngõ ngách” Cù Dù, khảo sát muông thú, sinh vật cảnh, lấy mẫu đất, mẫu nước nghiên cứu, xét nghiệm; giúp họ thuê đò, giúp vận chuyển vật phẩm, xử lý các tình huống bất trắc, bảo vệ an toàn trong khu vực.

Đặc biệt, chủ đầu tư sau khi đền bù kinh phí giải phóng mặt bằng, thêm lần nữa mua lại cây phi lao, bạc hà người dân trồng trên Cù Dù để bảo tồn những cánh rừng. Thế nhưng, một số người dân vẫn “nhắm” những cây tốt, lén đốn chặt về sử dụng. BĐBP một mặt tuyên truyền pháp luật, vận động người dân không vi phạm, mặt khác đổ công sức, sơn đánh số hàng chục vạn gốc cây, bảo tồn nguyên vẹn rừng dương, bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng biển, cho khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô.

“Bây giờ, những người lính tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, ngày đêm canh giữ bình yên khu vực biên giới. Ngày 12/9 vừa qua, đồn biên phòng nhận được lời cảm ơn từ một du khách quốc tịch Mỹ, Christiansen. Du khách này bị trượt ngã gãy chân tại bãi ghềnh cửa sông Bù Lu, được BĐBP ứng cứu, đưa khỏi nơi bị nạn, giúp sơ cứu ban đầu. Chúng tôi rất vui vì đã mang đến cho bạn bè quốc tế sự bình yên và tin tưởng…”, Trung tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây chia sẻ.

Theo Thừa Thiên Huế online