Cẩn trọng và có chọn lọc khi tiếp cận thông tin tuyển sinh

 

Hiện nay, thông tin tuyển sinh xuất hiện dày đặc trên các trang web, mạng xã hội, việc tiếp cận thông tin này từ phía thí sinh cần có sự chọn lọc và nghiên cứu kỹ.

Học sinh. phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2018 tại một đợt tư vấn tuyển sinh của ĐH Huế

Lúng túng

Sau tết, nhiều học sinh trung học phổ thông (THPT) khá lúng túng khi tìm kiếm các thông tin liên quan đến kỳ tuyển sinh 2018 do thông tin tràn lan trên các trang mạng. Nguyễn Thị Mơ, học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh ở Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị chia sẻ: “Ngay cả thông tin về quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vẫn đang còn là dự thảo, nhưng nhiều trang báo, trang web đưa thông tin là các điểm mới cần lưu ý trong kỳ tuyển sinh 2018. Nếu không đọc và tìm hiểu kỹ rất dễ nhầm lẫn”.

Ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) chia sẻ: Đến đầu tháng 3, vẫn chưa có quy chế tuyển sinh sửa đổi chính thức cũng như thông tin ngày thi của kỳ thi THPT Quốc gia từ Bộ GD&ĐT, trong khi các thông tin này học sinh rất quan tâm. Dù nhà trường nhiều lần chia sẻ là chưa có thông tin chính thức và học sinh nên cẩn trọng khi tra cứu các thông tin nhưng vẫn có trường hợp đọc chưa kỹ thông tin trên mạng và nhờ chúng tôi xác nhận lại.

Tâm lý lúng túng khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tuyển sinh cũng xuất hiện ở các trường THPT huyện miền núi. Ông Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông) chia biết, khi đọc dự thảo quy chế tuyển sinh trên mạng, nhiều học sinh tưởng đó là thông tin chính thức và lo lắng, hỏi nhiều về điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Đây là vấn đề quan trọng với học sinh miền núi, song chỉ mới dự thảo nên nhà trường chưa thể khẳng định được khi chưa có công bố chính thức của Bộ GD&ĐT.

Nguyễn Quốc Nam, học sinh một trường THPT trên địa bàn TP. Huế chia sẻ, em muốn tìm hiểu và so sánh thông tin tuyển sinh giữa các đơn vị, các ngành nghề nhưng thông tin trên mạng quá nhiều. “Tổ hợp các môn em dự định thi có quá nhiều ngành nghề. Tìm hiểu thì thấy cơ hội việc làm ngành nào cũng cao, trường nào cũng tốt nên em rất lúng túng”.

Nhiều chuyên gia giáo dục lý giải, đây là giai đoạn “nóng” trong việc thí sinh tìm các thông tin liên quan đến tuyển sinh. Điểm hạn chế của họ còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu thông tin tuyển sinh, có trường hợp đọc chưa kỹ nên dễ nhầm lẫn. Dù các trường THPT đã và đang phổ biến các thông tin liên quan đến tuyển sinh và hướng nghiệp trong các giờ chào cờ và nhắc nhở thí sinh cẩn trọng trong việc tiếp nhận thông tin, song do tâm lý nóng vội và lượng thông tin trên mạng quá lớn, trong khi nhiều học sinh còn e ngại hỏi trực tiếp người có kinh nghiệm nên dẫn đến nguy cơ thí sinh tiếp nhận thông tin thiếu chuẩn xác.

Tuy thời điểm này chỉ mới là giai đoạn thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh, chưa làm các hồ sơ, thủ tục nên chưa ảnh hưởng đến các quyết định trực tiếp liên quan đến chọn ngành nghề, song việc tiếp cận thông tin chưa chính xác phần nào tạo ra tâm lý lo lắng cho họ.

Xác minh thông tin

Theo các chuyên gia giáo dục, chủ thể của vấn đề này là học sinh và họ hoàn toàn có được những thông tin chính xác nếu biết cách tiếp cận thông tin, có chọn lọc và nghiên cứu kỹ. Mẹo nhỏ được nhiều giáo viên có kinh nghiệm đưa ra là ngoài việc nghiên cứu kỹ các thông tin đọc được trên mạng, nên chú ý thông tin các trường phổ biến liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, đồng thời nhanh chóng trao đổi những thắc mắc với ban giám hiệu và giáo viên để xác minh thông tin nhằm có những thông tin chuẩn xác nhất.

TS. Hoàng Tịnh Bảo, Thường trực Ban tư vấn, quảng bá tuyển sinh ĐH Huế cho rằng, người học nên thay đổi tâm lý e ngại, cần chủ động hơn trong cách tiếp cận, bày tỏ thắc mắc, vấn đề mình quan tâm đến kỳ thi và các nguyện vọng mà mình dự định đăng ký. Trên cơ sở những thông tin đã được tìm hiểu trước nhưng còn nghi vấn, có thể nhờ ban tư vấn tuyển sinh các trường xác nhận lại. Đối với những thông tin tuyển sinh trên mạng, thí sinh có thể tìm kiếm thông tin chính thức tại trang thông tin của Bộ GD&ĐT, các tờ báo chính thống hoặc trang thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, nhất là các trường có uy tín.

Một nguồn thông tin bổ ích cũng có thể khai thác là các sinh viên khóa trước. Với lợi thế đã từng trải qua giai đoạn chọn trường, chọn ngành và nghiên cứu thông tin tuyển sinh cùng với thực tiễn trải nghiệm việc học tại các trường, họ sẽ đưa ra được nhiều gợi ý để thí sinh chọn lọc và đưa ra quyết định.